Ba cảnh báo không thể bỏ qua về nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Đàm Thanh
- •
Các chuyên gia kinh tế – tài chính, các nhà đầu tư tài chính hàng đầu thế giới như Porter Stanberrry, George Sorros.., những người đã từng một hoặc nhiều lần đưa ra cảnh báo chính xác về các cuộc khủng hoảng trước đó, đã quan ngại hoặc chắc chắn về một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Không chỉ vậy, các tổ chức tài chính quốc tế uy tín cũng không ngừng phát tín hiệu cảnh báo về cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), Ngân hàng Thế giới (WB), ..
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) – Khủng hoảng tài chính toàn cầu mới chỉ còn là vấn đề thời gian
Từ cuối năm 2015, trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu Tháng 10/2015, IMF đã cảnh báo khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhận định này được đưa ra dựa trên các phân tích tỷ mỉ và khoa học về khối nợ ngày một khổng lồ của hệ thống tài chính toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. IMF đồng thời đưa ra các viễn cảnh về thị trường tiền tệ khủng hoảng, tỷ giá biến động mạnh tại nhiều nền kinh tế và khu vực, các đổ vỡ và vấn đề kinh tế – xã hội phát sinh.
Trong hơn một năm qua, IMF thường xuyên nhấn mạnh nguy cơ một khủng hoảng tài chính – tiền tệ toàn cầu sẽ diễn ra. Gần đây nhất, Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu tháng 10/2016, IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trầm trọng trong năm tới, tổng sản lượng toàn cầu có thể bị cắt giảm tới 4%, kinh tế – tài chính toàn cầu có thể rơi vào trạng thái mất kiểm soát như giai đoạn 2008-2009.
Các nhận định, cảnh báo mà IMF đưa ra dựa trên:
1. Nguy cơ vỡ nợ từ Trung Quốc khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế này quá nhanh so với tiêu chuẩn toàn cầu (theo số liệu của BIS, tổng dư nợ của nền kinh tế/GDP của Trung Quốc tại Quý 1/2016 là 254,9%, cao hơn nhiều bình quân của các nền kinh tế mới nổi là 186,6%) trong khi Trung Quốc không có một chiến lược toàn diện xử lý nợ xấu phát sinh; tỷ lệ nợ xấu thực trong hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) của nước này ước tính là trên 20% (theo Bloomberg), các doanh nghiệp Trung Quốc đang ôm giữ khoản nợ 18 nghìn tỷ USD, tương đương với 169% tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế này.
2. Ngân hàng Châu Âu nợ xấu lớn, công suất dư thừa và mô hình quản lý chưa thích ứng. Theo IMF, 1/3 số NHTM Châu Âu đang phải đối mặt với những “thách thức lớn” trong việc duy trì lợi nhuận bền vững IMF thậm chí còn đưa ra lời kêu gọi cần hành động khẩn cấp nhằm giải quyết các vấn đề của các ngân hàng Châu Âu khi các ngân hàng này phải đối mặt với 900 tỷ EUR nợ xấu được ghi nhận trên sổ sách. IMF cũng cho rằng cần phải đóng cửa một số NHTM Châu Âu để giải quyết vấn đề dư thừa công suất;
3. 8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ, thế giới lại đang gánh một lượng nợ lớn chưa từng có tiền lệ. Nghiên cứu của IMF trên 113 quốc gia trong nửa đầu năm 2016 đã cho thấy mức nợ hiện đang ở mốc kỷ lục 225% GDP toàn cầu, trong đó 2/3 số nợ thuộc về khu vực tư nhân, tổng mức nợ lên tới 152 nghìn tỷ USD. IMF kêu gọi các Chính phủ giải quyết “núi nợ” này trước khi nó gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính mới trên toàn cầu.
Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) – “Sự tĩnh lặng khó chịu trước hỗn loạn” và sự đổ vỡ không thể tránh của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (tiếng Anh: Bank for International Settlements; viết tắt: BIS) là một tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương, thậm chí có thể nói nó là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương trên thế giới. BIS có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và các cơ quan khác để ổn định tiền tệ và tài chính. Với chức năng này, BIS có trách nhiệm quan trọng trong việc theo dõi, đánh giá mức độ ổn định tài chính và cảnh báo khủng hoảng thông qua một loạt các chuẩn mực, tiêu chí, chỉ số được nghiên cứu bài bản và khoa học. Bởi vậy, các báo cáo của BIS luôn uy tín và có tầm ảnh hưởng lớn trong hệ thống tài chính thế giới.
Trong một báo cáo nghiêm túc gần đây với tiêu đề “Sự tĩnh lặng khó chịu trước hỗn loạn”, BIS quan ngại về những dấu hiệu tích tụ trong một thời gian dài báo trước một cơn bão lớn. BIS đặc biệt lo ngại sự giảm giá chứng khoán, suy giảm tăng trưởng toàn cầu đang diễn ra cùng một thời điểm mà niềm tin của các nhà đầu tư và các Ngân hàng Trung ương (NHTW) đang suy yếu. Theo BIS, chính sách lãi suất âm của NHTW Nhật Bản (BoJ) minh họa rõ nét cho quan điểm này. BoJ cho rằng chính sách lãi suất âm sẽ tác động lớn hơn đến cho vay, từ đó tác động tích cực đến tăng trưởng. Nhưng thay vào đó, thực tế là các nhà đầu tư không vay để tiếp tục đầu tư mà họ bán tháo tài sản rủi ro và chuyển sang trái phiếu an toàn. Hành động của BoJ được nhiều người coi là hành động tuyệt vọng bởi hệ thống đang dần mất đi kiểm soát đối với các chính sách tài chính của mình. Tình trạng tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế toàn cầu, các món nợ khổng lồ ngày một lớn và hiện hữu, các hành vi thất thường của thị trường chứng khoán đều liên quan trực tiếp đến chính sách tiền giá rẻ (lãi suất cực thấp hoặc lãi suất âm) được thực thi bởi các NHTW sau cuộc Đại suy thoái 2008.
Bên cạnh đó BIS cũng đưa ra các cảnh báo mạnh mẽ về sự sụp đổ tất yếu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Một trong những chỉ số mà BIS sử dụng khi đưa ra cảnh báo sớm về khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc là so sánh đà tăng trưởng tín dụng với đà tăng trưởng của sản lượng kinh tế. Các chuyên gia của BIS cho rằng, khi đà tăng trưởng tín dụng cao gấp 10 lần đà tăng trưởng của GDP thì quốc gia đó đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính thực sự. Vào năm 2007, đà tăng trưởng tín dụng của Mỹ cao hơn đà tăng trưởng sản lượng của quốc gia này là 10,6 lần; khi đó Leman Brother sụp đổ, bắt đầu kéo theo cả hệ thống tài chính của Mỹ và thế giới chao đảo. Tại Trung Quốc, hệ số này tăng chóng mặt từ 6,7 lần năm 2011 lên tới 22,1 lần vào năm 2014 và vừa qua đã vượt 30,1 lần (!). Mức rủi ro này vượt xa ngưỡng của Mỹ năm 2007 và của các nước Đông Á năm 1997.
Ngân hàng Thế giới (WB) – Cảnh báo “Cơn bão lớn” về kinh tế tài chính toàn cầu
Trong buổi công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015, WB đã cảnh báo về thực trạng tăng trưởng trì trệ của kinh tế toàn cầu trong 5 năm qua, với mức tăng trưởng luôn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Nhưng đáng lưu ý hơn là thực trạng chưa từng có kể từ thập kỷ 1980, đó là các nền kinh tế đang phát triển đồng loạt giảm tăng trưởng; giá hàng hóa giảm mạnh, thương mại toàn cầu suy giảm, dòng vốn yếu và bất ổn thị trường tiền tệ đã tạo ra một “môi trường bên ngoài thách thức, đặc biệt là đối với xuất khẩu”; nơi mà hầu hết đang tăng trưởng chậm lại. WB cũng lo ngại hiệu ứng lan tỏa giữa khu vực sản xuất trì trệ và sự căng thẳng của thị trường tài chính sẽ tạo thành một cơn bão lớn, xóa bỏ hết mọi nỗ lực khôi phục sau cuộc khủng hoảng tồi tệ 2008-2009.
Rõ ràng, các dấu hiệu của một khủng hoảng kinh tế tài chính quy mô toàn cầu hiện hữu ngày một lớn, tất cả dường như chỉ còn là vấn đề của thời gian. Vậy các dấu hiệu đó là gì? các vấn đề của cuộc Đại suy thoái 2008-2009 đã được xử lý ra sao? Khủng hoảng sẽ bắt đầu từ đâu? Khả năng chống chọi với “cơn bão lớn” của các nền kinh tế trên thế giới và của Việt Nam? Và cuối cùng các doanh nhân, nhà đầu tư cá nhân nên chuẩn bị những gì khi đối phó với khủng hoảng? Mời các bạn đón đọc các phần tiếp theo.
Đàm Thanh
Xem thêm:
Từ khóa Tài chính việt nam Tài chính trung quốc nợ xấu khủng hoảng kinh tế