Bộ LĐ-TB-XH: Khoảng 670.000 người mất việc làm do COVID-19
- Nguyễn Quân
- •
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, khoảng 670.000 lao động bị mất việc làm từ đầu năm trong khi hơn 5 triệu lao động phải ngừng việc trong tháng 4, chưa kể nhóm phi chính thức là những con số do cơ quan thuộc Chính phủ vừa đưa ra.
Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) Việt Nam Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam hiện có hơn 55 triệu lao động có việc làm. Do tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất.
67% doanh nghiệp phải cho nhân viên tạm nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, hoặc bố trí việc làm luân phiên, nhất là những ngành nghề như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Theo báo cáo của một số tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Pouchen, các công ty da giày…, số lượng đơn hàng trong những tháng đầu năm 2020, đặc biệt là trong tháng 4, bị cắt giảm từ 40-60%.
Tính đến ngày 30/4/2020, khoảng 670.000 người lao động bị mất việc làm, riêng tháng 4 có tới 270.000 người bị mất việc làm (tăng 4% so với tháng trước).
Số lao động làm trong ngành công nghiệp chế biến-chế tạo mất việc làm chiếm số lượng nhiều nhất, hơn 80.200 người; tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, gần 50.000 người; hơn 20.500 người trong ngành vận tải-kho bãi; gần 15.000 người trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống…
Khoảng 234.600 lao động bị mất việc làm tập trung ở những nơi có thị trường lao động phát triển như: Đồng bằng Sông Hồng (gần 45.000 người), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (hơn 65.200 người), Đông Nam Bộ (hơn 84.400 người) và Đồng bằng sông Cửu Long (hơn 40.000 người).
Ngoài số lao động bị mất việc, trong tháng 4, do yêu cầu giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch lây lan, có tới hơn 5 triệu lao động phải ngừng việc, tập trung lớn trong ngành công nghiệp chế biến-chế tạo (hơn 1,3 triệu lao động); ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1 triệu lao động), ngành vận tải-kho bãi (khoảng 400.000 lao động); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 750.000 lao động).
Cần lưu ý, nhóm lao động trong khu vực phi chính thức dễ bị tổn thương nhất [song không có thống kê do đặc điểm phi chính thức – NV]. Trong tháng 4, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều bị ảnh hưởng xấu, cao nhất là việc làm của khu vực dịch vụ và ăn uống giảm mạnh tới hơn 80%. Nhiều lao động như bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ, xây dựng… phải tạm dừng làm việc.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với đại dịch lần này, số việc làm bị mất rất lớn. Số liệu thống kê chính thức chưa thể bao phủ hết và do đó không được phản ánh trong con số tăng trưởng GDP, dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1/2020 (3,82%) ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (GDP quý 1/2009 là 3,1%). Khu vực phi chính thức chịu tác động mạnh bởi việc phong tỏa khiến khu vực này dừng lại hoàn toàn. Đây là một đặc điểm khác biệt với các cuộc khủng hoảng trước đây, khi khu vực phi chính thức của Việt Nam ít bị ảnh hưởng và là đệm đỡ của nền kinh tế. Theo ông Thế Anh, tỷ trọng phi chính thức đóng góp vào kinh tế tương đối lớn, ước tính từ 25-35%. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (2016) cho biết quy mô của lao động phi chính thức tại Việt Nam khá lớn, trên 18 triệu người, chiếm 57,2% tổng số lao động phi hộ nông nghiệp. Nếu tính cả lao động trong khu vực hộ nông nghiệp, tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm đến 78,6%. |
Tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng lao động ASEAN đặc biệt về ứng phó với tác động của dịch COVID-19 đối với lao động và việc làm chiều 14/5, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xác nhận Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo đề xuất của Bộ này trước đó, chi hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo lại người lao động để nâng cao tay nghề.
Nguyễn Quân
Từ khóa lao động bị ngừng việc lao động phi chính thức COVID-19 lao động mất việc làm