Người ôm bất động sản “từng khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế” sẽ chịu rủi ro nếu đề xuất tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản mới đây của Bộ Tài chính được thông qua. 

bat dong san ha noi 17098932325111635522558
Ảnh minh họa. Chinhphu.vn.

Tại dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất một loạt thay đổi quan trọng nhằm điều chỉnh cách tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Cụ thể, thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhân cư trú được đề xuất “xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% theo từng lần chuyển nhượng”.

Trong đó, Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan tới việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

Trường hợp không xác định được giá mua và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản thì thuế thu nhập cá nhân được xác định bằng giá bán nhân với thuế suất. Cụ thể, thuế suất đối với bất động sản có thời gian nắm giữ dưới 2 năm là 10%; từ 2 năm đến 5 năm là 6%; từ 5 năm đến 10 năm là 4%; trên 10 năm là 2%.

Đối với chuyển nhượng bất động sản thừa kế, áp dụng thuế suất 2% nhân giá chuyển nhượng.

Thời gian nắm giữ bất động sản tính từ khi cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (từ ngày Luật Thuế TNCN (thay thế) có hiệu lực) đến thời điểm chuyển nhượng.

Nếu đề xuất được thông qua, thì các bất động sản “từng bị khai giá thấp hơn giá mua bán thực tế” bị tác động đáng kể. Dù áp dụng phương pháp tính thuế nào (thuế trên giá bán hay thuế trên lợi nhuận) thì người bán cũng phải đối mặt với trách nhiệm chi trả số tiền thuế thu nhập cao hơn trước đây, có trường hợp thuế phải nộp cao hơn cả lợi nhuận nhà đầu tư có được từ thương vụ. .

Nguyên Hương (t/h)