Bộ Tài chính: Không đồng ý giảm 100% thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng
- Đức Minh
- •
Bộ Tài chính Việt Nam không đồng ý giảm 100% thuế TTĐB với xăng vì cho rằng các nước như Pháp, Đức, Hàn Quốc,… đều thu loại thuế này và mặt hàng xăng cần sử dụng tiết kiệm nên phải áp thuế.
Theo đó, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (VAT) gửi Bộ Tư Pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ và Quốc hội Việt Nam.
Trong đó, Bộ nêu ý kiến về việc không đồng ý việc giảm toàn bộ thuế TTĐB với xăng vì mặt hàng này cần sử dụng tiết kiệm và các nước như: Pháp, Đức, Hàn Quốc,… đều thu loại thuế này.
Theo Bộ Tài chính Việt Nam, Pháp thu thuế TTĐB với nhiên liệu từ 0,66 euro/lít trở lên, Đức thu hơn 0,35 euro/lít, Hàn Quốc thu 311 won/lít, Singapore (thuộc Đông Nam Á) thu 0,41 đô la Singapore/lít, Thái Lan thu từ 2,99 – 6,5 baht/lít, v.v…
Do đó, Bộ này cho rằng Việt Nam thu ở mức trung bình, thấp hơn các quốc gia nói trên và đặc biệt thu thấp hơn Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, thuế TTĐB áp vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia…); hàng hóa, dịch vụ cao cấp (ôtô, máy bay, du thuyền, chơi golf…) hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch).
Theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế này đối với xăng, không thu đối với dầu các loại. Mức thuế suất đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm thuế, cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể phải dựa theo đề xuất của Chính phủ trên cơ sở hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Từ khóa thuế tiêu thụ đặc biệt Xăng dầu thuế xăng dầu Dòng sự kiện