Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ lâu đã tin rằng đòn bẩy kinh tế của nước Mỹ đã bị chính tầng lớp lãnh đạo của nước này làm tiêu tan một cách có hệ thống. Vì điều này, ông Trump đã bị các nhà kinh tế học, các ban biên tập báo chí và toàn bộ Diễn đàn Davos, cáo buộc là không hiểu gì về thương mại. Nhưng những tuyên bố mới nhất từ giới kinh tế học lại cho rằng nó chưa chắc đã vậy.

r shutterstock 2427935455
Ngày 27/1/2024, ông Trump vận động tranh cử tại Las Vegas trước thềm Bầu cử sơ bộ và Hội nghị kín tại Nevada. (Ảnh: Maxim Elramsisy/Shuttertock)

Một báo cáo nghiên cứu mới từ [tổ chức nghiên cứu về kinh tế của Đức] CESifo, có tựa đề khá khô khan là “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại? Tác động kinh tế của Thuế quan Ngày Giải phóng“, ban đầu có vẻ không gây nhiều chú ý, cho đến khi người ta đọc những gì thực sự nó nói, trong đó cho rằng: nếu Mỹ có thể áp đặt thuế quan mà không bị trả đũa, thì nước này có thể thu được lợi ích. Tiền lương cao hơn. Thâm hụt thương mại nhỏ hơn. Thuế thu nhập giảm nhẹ. Phúc lợi ròng tăng lên. Đó không phải là khẩu hiệu MAGA (Make America Great Again). Đó là kết quả dựa trên mô hình toán học.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà kinh tế học đến từ Đại học California, Davis; Trường Kinh tế học Na Uy; Đại học Indiana; và Đại học Milan. Họ xây dựng một mô hình thương mại toàn cầu, để mô phỏng chính sách thuế quan ngày 2 tháng 4 của ông Trump — vốn được ông gọi là “Ngày Giải phóng“. Chính sách thuế này bao gồm mức cơ bản 10%, kèm phụ phí cho các quốc gia có thặng dư thương mại kéo dài với Mỹ — 20% cho Liên minh châu Âu, 54% cho Trung Quốc, v.v. Các tác giả từ CESifo đã đưa số liệu vào mô hình và kết luận: Nếu các chính phủ nước ngoài không trả đũa, Mỹ sẽ có lợi. Thâm hụt thương mại giảm 18%. Phúc lợi tăng 1,13%. Thuế quan thu được sẽ giúp giảm thuế thu nhập. Việc làm thậm chí còn tăng nhẹ.

Tất nhiên, vẫn có một điểm yếu — điều mà các nhà kinh tế rất nhấn mạnh. Trả đũa sẽ đảo ngược mọi lợi ích. Nếu EU hay Trung Quốc đáp trả tương xứng, Mỹ sẽ thiệt hại. Những lợi ích sẽ biến mất. Giá cả tăng. Sản lượng và việc làm giảm. Mọi thứ đều được tính toán rõ trong mô hình.

Đây có thể là khía cạnh mà chính sách [thương mại của ông Trump] đã bỏ qua trừ khi ông Trump đã đọc mô hình đó và phản ứng theo cách riêng của mình.

Thư của ông Trump về thuế quan cảnh báo các nước không được trả đũa

Vào thứ Hai (7/7), ông Trump đã gửi thư đến Nhật Bản, Hàn Quốc và 13 đối tác thương mại lớn khác, cảnh báo rằng bất kỳ hành động trả đũa nào, sẽ bị đáp trả bằng mức tăng thuế tương ứng lên hàng xuất khẩu của họ. Nói cách khác, trả đũa giờ đây sẽ phải trả giá. Ông Trump đang phát tín hiệu về điều mà giới kinh tế gọi là “chiến lược cam kết năng động”. Nói một cách đơn giản: Đừng có dại mà thử.

Đây chính là thiên tài ít được công nhận trong chính sách thương mại của ông Trump. Nó không phải là chủ nghĩa bảo hộ theo nghĩa truyền thống. Đó là chủ nghĩa dân tộc kinh tế — nhưng mang sắc thái kiểu Hamilton (Alexander Hamilton), không phải là bức biếm họa mà những người chỉ trích ông Trump vẽ ra. Và khi ta đưa mọi thứ vào mô hình, như các nhà kinh tế này đã làm, logic này thực sự có hiệu quả — miễn là ta có thể khiến các đe dọa trở nên hiệu quả.

Thậm chí còn có một điểm “thêm thắt lý thuyết”. Mô hình CESifo xác định “mức thuế tối ưu” là 19%, áp đồng đều trên tất cả hàng nhập khẩu — không phải 10%, cũng không phải 54%, và không điều chỉnh theo thâm hụt song phương. Thuế quan của ông Trump, được thiết kế để trông có tính tương hỗ, thực ra lệch khỏi mức tối ưu này. Nhưng ngay cả vậy, chúng vẫn mang lại lợi ích — một lần nữa, với điều kiện là các quốc gia khác không trả đũa. Và khi mọi thứ lắng xuống, có khả năng mức thuế của ông Trump sẽ tiến gần đến mức 19% mà các nhà kinh tế cho là hiệu quả nhất.

Bài nghiên cứu không cố ý tán thành chiến lược thương mại của ông Trump, nhưng gần như đã làm điều đó. Nó phác họa rõ chiến lược: áp thuế, thay đổi điều kiện thương mại, dùng khoản thu được để giảm thuế trong nước gây méo mó, và tránh bị trả đũa. Hóa ra ông Trump đã đi theo đúng kịch bản này. Và giờ ông ấy đang cố gắng buộc người khác phải làm theo.

Liệu cách tiếp cận này có thành công hay không, vẫn còn là điều chưa chắc chắn. Trung Quốc có chiến lược riêng. EU thì không thể lay chuyển. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì gần như bất lực. Nhưng cơ sở lý luận cho chính sách của ông Trump giờ đây đã được xây dựng — không phải bởi các chính trị gia được bổ nhiệm, mà bởi những nhà kinh tế học có uy tín với những thành tựu đã được công bố.

Vì vậy, lần tới nếu có ai đó nói ông Trump không hiểu gì về thương mại, bạn hoàn toàn có thể đưa cho họ bản nghiên cứu của CESifo — hoặc tốt hơn, là những bức thư hôm thứ Hai (7/7) của ông.

Bởi vì, dù thế nào đi nữa, đây là một chính sách thương mại có mô hình làm cơ sở, có chiến lược dẫn lối, và có lời đe dọa biến nó thành hiện thực.

John Carney/ Breitbart News

Phạm Duy biên dịch