Cảnh báo thao túng tiền tệ – Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen ‘nhắc nhở’ Trung Quốc?
- Hạ Vũ
- •
Hôm thứ Tư (11/12), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng Mỹ sẽ “phản ứng mạnh” đối với nước nào thao túng tiền tệ của họ để đạt được lợi thế cạnh tranh, nhưng hiện tại không có hành vi can thiệp thị trường như vậy.
Nhận xét của bà Yellen hôm thứ Tư không nhằm vào một nước cụ thể nào. Nhưng không lâu trước đó, Reuters đưa tin độc quyền rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang xem xét cho phép đồng Nhân dân tệ (RMB) giảm giá vào năm 2025 để bù đắp cho khả năng tăng thuế quan sau khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức.
Tự tin vào đồng USD
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp với Bloomberg, bà Yellen cho biết không thấy bất kỳ mối đe dọa nào đối với tình trạng tiền tệ dự trữ của đồng USD, vì không có loại tiền tệ nào khác có thể so sánh với đồng USD trong thị trường tài chính, thương mại và các giao dịch khác trên toàn thế giới.
“Chúng tôi không thể chấp nhận vấn đề thao túng tiền tệ để chiếm lợi thế cạnh tranh, chúng tôi rất quan tâm và sẽ phản ứng mạnh khi phát hiện có vấn đề như vậy.”
Bài phát biểu của bà Yellen diễn ra vào thời điểm quan trọng là bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng có biến động mạnh do các cuộc chiến thuế quan, việc bà nhấn mạnh tính ổn định của đồng USD là một tín hiệu quan trọng cho thị trường quốc tế, và nhấn mạnh niềm tin liên tục vào vai trò chủ chốt của đồng USD trong bối cảnh kinh tế không chắc chắn.
Trầm trọng thêm tình trạng tháo chạy vốn nếu phá giá đồng RMB
Ngày 25/11, ông Trump cho hay trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, “Chừng nào họ còn tiếp tục [để ma túy từ Trung Quốc vào nước Mỹ], chúng tôi sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả các sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, ngoài các mức thuế hiện có khác”.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng cho biết sẽ áp thuế ít nhất 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Reuters đã phỏng vấn 3 nguồn tin nắm tình hình về các cuộc thảo luận phá giá đồng RMB (họ yêu cầu giấu tên vì họ không được phép nói công khai về vấn đề này), tiết lộ rằng Bắc Kinh nhận thấy cần phải có các biện pháp kích thích kinh tế lớn hơn để đối phó với thuế quan của Trump.
Họ nói Trung Quốc để đồng RMB rớt giá hoặc giảm giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, để làm suy yếu tác động của thuế quan.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, tỷ giá hối đoái RMB so với USD từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2019 đã giảm khoảng 10%. Theo ước tính của Morgan Stanley, điều này đã bù đắp khoảng 2/3 tác động của việc Mỹ tăng thuế quan.
Không loại trừ việc ĐCSTQ giảm giá đồng RMB nhiều hơn để bù đắp mức tăng thuế 60% có thể của ông Trump. Trong khi tỷ giá hối đoái của đồng RMB và USD so với cuối năm 2019 hiện thấp hơn 3%, nếu ĐCSTQ muốn giảm bớt cú sốc thương mại thông qua giảm giá RMB, chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng tháo chạy vốn khỏi Trung Quốc.
Báo cáo tiền tệ nửa năm mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ không tìm thấy hành vi thao túng của các đối tác thương mại lớn, nhưng đã đưa Bắc Kinh vào danh sách theo dõi vì thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc với Mỹ, và thiếu minh bạch trong hoạt động ngoại hối. Trong đó bao gồm, mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc tăng, nhưng số dư tài khoản vãng lai toàn cầu giảm nhẹ, cho thấy giá xuất khẩu giảm.
Vào tháng 8/2019 đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, ông đã chỉ thị cho Bộ trưởng Tài chính lúc đó là Mnuchin coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Sau khi ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 1/2020 đã hủy bỏ chỉ định này.
Ứng viên Bộ trưởng Tài chính của ông Trump là nhà quản lý quỹ phòng hộ Scott Bessent, nếu được Thượng viện Mỹ chấp thuận thì Scott Bessent sẽ là người giám sát báo cáo tiền tệ tiếp theo vào tháng 4/2025.
Từ khóa nhân dân tệ chiến tranh thương mại Mỹ Trung tỷ giá USD USD