Chỉ 1 euro/tháng để trải nghiệm cuộc sống tại ngôi làng tuyệt đẹp của nước Ý
- An Chi
- •
Ngôi làng Ollolai bình dị của nước Ý gần đây đã mang đến cho những người khách từ nước ngoài cơ hội sống trong cộng đồng của mình chỉ với 1 euro, trong khi tận hưởng ánh nắng bất tận, thiên nhiên hoang sơ và những món ăn hấp dẫn của đất nước này.
Làng Ollolai, nằm ở trung tâm Sardinia (hòn đảo lớn thứ hai ở Địa Trung Hải), cũng hy vọng rằng những người nước ngoài làm việc tại nhà có thể đến đây sống và truyền đạt kiến thức chuyên môn của mình cho người dân địa phương thông qua các bài giảng, lớp học hoặc dự án, v.v.
Đổi lại, ngôi làng đẹp như tranh vẽ này sẽ giúp họ hòa nhập tốt hơn với văn hóa truyền thống địa phương, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật đường phố, các lễ hội, hơn 300 ngày nắng mỗi năm và cơ hội thưởng ngoạn cảnh đẹp ở nơi đây. Sardinia còn là 1 trong 5 vùng xanh (Blue Zone) có tỷ lệ người sống thọ cao nhất thế giới.
“Giá danh nghĩa 1 euro” bao gồm tiền thuê nhà và các tiện ích, trong khi những người khách này phải chịu trách nhiệm về chi phí đi lại và giải trí của mình. Nơi họ ở không phải là Airbnb (dịch vụ cho thuê phòng lưu trú) hay khách sạn mà là một nơi ở riêng truyền thống, đó là các căn hộ có một hoặc hai phòng ngủ, tùy thuộc vào số lượng người ở cùng nhau và số lượng phòng trống.
Dự án này có tên “Work from Ollolai” (WFO) do hiệp hội văn hóa Sardinia Sa Mata và văn phòng thị trưởng địa phương phối hợp triển khai, nhằm hướng tới bất kỳ ai quan tâm đến thông tin và trao đổi văn hóa.
Theo Euro News, các cơ quan hữu quan đã đầu tư hơn 20.000 USD để chuyển đổi Làng Ollolai nhằm thích ứng với nhu cầu của những người làm việc tại nhà. Các chuyên gia, nghệ sĩ và học giả STEM (các môn liên ngành tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) được đặc biệt khuyến khích tham gia dự án.
Cô Clarese Partis, nhà thiết kế phần mềm 39 tuổi đến từ California, Mỹ, đã đến Làng Ollolai và trở thành người đầu tiên tham gia dự án. Cô Pattis nói với CNBC rằng cô hoàn toàn bị thu hút bởi môi trường sống tươi đẹp “được bao quanh bởi thiên nhiên, không khí trong lành, núi non và bãi biển tuyệt vời”, nơi cô có thể “tìm thấy sự bình yên giữa một nhịp sống chậm”.
Kể từ khi đến Sardinia, cô Patis đặc biệt thích mua nguyên liệu tươi tại chợ nông sản địa phương và làm món gnocchi truyền thống với sốt pesto.
Veronica Matta, chủ tịch hiệp hội Sa Mata cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là hồi sinh ngôi làng Ollolai với những cư dân mới có nền tảng ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Họ có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với tư cách là những người du mục kỹ thuật số (những người những người dựa vào công nghệ kỹ thuật số để làm việc trên khắp thế giới) với người dân địa phương.”
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là bộ phận quản lý dự án cho biết họ không thể cung cấp tư vấn về thị thực hoặc thuế nhập cư, thời gian lưu trú tối đa hiện tại đối với người mới nhập cư chỉ là 1 tháng. Họ sẽ đánh giá và nộp đơn xin lưu trú lâu hơn của từng cá nhân dựa trên các trường hợp cụ thể.
Trong những năm gần đây, chính quyền Ý đã ban bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” tại ngôi làng Ollolai khi số dân đang ngày càng thu hẹp. Dân số của làng hiện chỉ còn khoảng 1.300 người, giảm so với 2.250 người cách đây 100 năm và chỉ có một số ít trẻ sơ sinh được sinh ra mỗi năm.
Ngoài ra, ngày càng có ít cư dân địa phương hơn khi giới trẻ trên đảo đổ xô đến các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.
Trước đó, Ý cũng phát động sáng kiến toàn quốc “bán số lượng lớn nhà cũ với giá chỉ 1 euro” nhằm khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào bất động sản Ý và trải nghiệm lối sống Địa Trung Hải độc đáo.
Từ khóa nước Ý