Chuyên gia: Miền Bắc phụ thuộc 2 nguồn điện chính và nguyên nhân dẫn đến thiếu điện
- Tuấn Minh
- •
Theo thống kê, khu vực miền Bắc Việt Nam phụ thuộc hơn 90% vào hai nguồn điện chính là nhiệt điện và thủy điện. Dù đã được giới chuyên gia cảnh báo nhiều lần về nguy cơ thiếu điện khi có sự cố nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được giải quyết, dẫn đến từ kỳ vọng dư thừa xuất khẩu điện, Việt Nam đang phải cắt điện từ sinh hoạt đến sản xuất, đảo lộn cuộc sống và thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Cụ thể, khu vực miền Bắc Việt Nam được cung cấp bởi hai nguồn điện chính gồm Nhiệt điện chiếm khoảng 48% và Thủy điện chiếm khoảng 43%, theo Vnexpress.
Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết dẫn đến thiếu hụt nguồn cung từ thủy điện trong năm 2023, còn phải kể đến sự chủ quan của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi phớt lờ hầu hết các cảnh báo về thiếu điện.
Dẫn đến từ kỳ vọng Việt Nam dư thừa xuất khẩu điện nay trở thành sự việc mất điện liên tục đang diễn ra trên cả nước, đặc biệt là miền Bắc, đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân và gây tổn thất lớn cho khu vực kinh tế, sản xuất.
Theo TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ngành điện là ngành cần hệ thống và tầm nhìn dài hạn. Tuy vậy, cách làm hiện tại “kiểu nông dân”, đồng thời hệ thống truyền tải rất kém, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực, lãng phí tài nguyên và hậu quả rất nghiêm trọng như bây giờ, báo Việt Nam Net đưa tin.
Theo ông Thiên, năng lượng gió và mặt trời đang dư thừa thì không có lý do gì để nói là thiếu điện, trừ khi thiếu cách tiếp cận hệ thống, tầm nhìn yếu kém. Từ tầm nhìn đó dẫn đến câu chuyện cơ chế. Nếu có hệ thống truyền tải tốt thì bây giờ điện từ miền Nam đã ra miền Bắc và thậm chí còn dư thừa.
Mấy năm liền, khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không đầu tư vào truyền tải thì cũng không cho tư nhân đầu tư đường truyền tải điện. Một vài quy trình, thủ tục khó hoặc thiếu vài khâu là cơ quan quản lý đóng luôn toàn bộ dự án. Đây là cách làm việc hành chính quan liêu và dẫn tới nguy hiểm.
Hơn nữa, hệ thống thị trường điện của Việt Nam vẫn là thị trường độc quyền. Nói là chuyển sang cơ chế thị trường nhưng chủ yếu là phát điện, bán buôn, còn bán lẻ ít.
Để giải quyết tạm thời vấn đề như trên, theo ông Thiên, giải pháp nhanh trước mắt là câu chuyện tạo cơ hội cho tư nhân họ tham gia vào thì nhanh hơn rất nhiều.
Nhưng muốn cho tư nhân vào thì thủ tục phải nhanh, điều kiện thông thoáng, chứ cứ bắt họ chạy đi chạy lại, “xin cho” tốn kém, chính sách thay đổi liên tục thì không ai làm được, đây là điều kiện tiên quyết.
Thiếu điện hiện nay chủ yếu là miền Bắc. Giải pháp có thể là cho phép làm điện gió, năng lượng tái tạo, khuyến khích tư nhân vào do điều kiện ngoài Bắc không được thuận lợi về gió, nắng như miền Nam thì giá cần cao hơn. Đây cũng là yếu tố đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Tập đoàn EVN bị thanh tra từ ngày 10/6, lỗ kỷ lục nhưng công ty con lãi đều đặn
Vừa qua, Tập đoàn EVN đề xuất tăng giá điện lần thứ 2 vào tháng 9/2023, sau khi đã tăng thêm 3% lên mức 1.920 đồng/kWh (chưa thuế VAT) từ ngày 4/5/2023.
Lãnh đạo tập đoàn này cho biết việc tăng thêm 3% mang về 8.000 tỷ đồng doanh thu nhưng chưa đủ bù lỗ, riêng năm 2022, EVN đã lỗ hơn 26.000 tỷ đồng (chưa kể lỗ tỷ giá).
Dự báo năm 2023, EVN tiếp tục sẽ đưa ra các khoản lỗ cao hơn, điều này càng gây bức xúc trong dư luận khi hầu hết các công ty con, công ty trực thuộc hoặc có góp vốn của EVN đều báo lãi.
Vừa qua, 5 công ty con của EVN cũng bị “soi” về số tiền gửi ở ngân hàng lên đến 30.000 tỷ đồng, hằng năm thu về hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi.
Bộ Công thương cũng vừa chỉ thị thanh tra về việc cung ứng điện của Tập đoàn EVN từ ngày 10/6. Tuy vậy, nhiều người cho rằng có thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi cơ quan này cũng chính là đang quản lý EVN.
Từ khóa bộ công thương EVN Dòng sự kiện miền Bắc thiếu điện