Đặc khu kinh tế có thật sự ‘đặc biệt’?
- Chân Hồ
- •
Thế giới đang tràn ngập các khu vực tự do thương mại và các phiên bản của nó. Tuy nhiên, sự thực là phần nhiều trong số chúng không đáng cố gắng xây dựng và duy trì.
Khi mô hình khu vực tự do thương mại hiện đại đầu tiên được thành lập tại sân bay Shannon năm 1959, rất ít các quốc gia ngoài Ireland để tâm đến sự kiện này.
SEZ chỉ là một lựa chọn dễ dàng?
Cho đến ngày nay, hầu hết mọi người dường như đều tôn sùng các “đặc khu kinh tế” (SEZ), nơi cung cấp nhiều ưu đãi về thuế, thuế quan đơn giản và giảm tải trình tự thủ tục hải quan, và với ít các quy định bó buộc.
Theo nghiên cứu của the Economist, cứ mỗi 4 quốc gia thì lại có 3 quốc gia có ít nhất một đặc khu kinh tế. Tính đến thời điểm 2015, thế giới có khoảng 4.300 đặc khu kinh tế và con số đó vẫn đang tăng lên hàng ngày.
Myanmar và Qatar cũng tiết lộ về ý định thành lập các đặc khu kinh tế của riêng họ. Các quan chức Ấn Độ gọi các dự án đặc khu kinh tế đầy tham vọng là một cuộc “cách mạng”. Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản cũng tuyên bố các đặc khu kinh tế là một phần trong kế hoạch cải cách kinh tế của ông.
Các trường phái ủng hộ “đặc khu kinh tế” thường dẫn chứng một số câu chuyện thành công, trong đó cái tên thường thấy là đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc, hình thành vào năm 1980 và được mệnh danh là “Phép màu Thâm Quyến”.
Thâm Quyến được chọn như là nơi thử nghiệm các chính sách cải cách kinh tế mà giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn e ngại áp dụng ngay lập tức trên phạm vi cả nước. Thành phố này đã thu hút được hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài và các chính sách được thử nghiệm thành công tại đây sau đó đã lan rộng ra các thành phố khác.
Tuy nhiên, cơn sốt dành cho “đặc khu kinh tế” ám chỉ rằng các chính phủ thường thấy chúng như một chiến thắng dễ dàng: đưa ra một thông báo, dành một diện tích đất, cung cấp các điều khoản giảm thuế và, a lê hấp, một khu vực nghèo đói hay các ngành công nghiệp đang bế tắc đột nhiên được cứu vớt.
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc)
Rất ít SEZ thành công
Giá như thực tế lại dễ dàng như vậy! Bất chấp đặc khu kinh tế phổ biến trên mặt đất như thế nào, nhiều trường hợp hầu như rơi vào thất bại. Châu Phi bị tràn ngập bởi rác là các sản phẩm không có nơi tiêu thụ. Ấn Độ với hàng trăm dự án không thành công, trong đó có hơn 60 dự án tại bang Maharashtra bị thất bại chỉ trong vài năm qua.
Đồng thời, “đặc khu kinh tế” cũng không phải là hàng miễn phí. Bởi các ưu đãi đưa ra để thu hút nhà đầu tư sẽ đồng nghĩa rằng nguồn thu thuế bị bỏ lỡ (ít nhất trong ngắn hạn).
Đặc khu kinh tế tạo ra các biến dạng từ bên trong nền kinh tế, đó là lý do tại sao việc cải thiện môi trường kinh doanh toàn quốc luôn tốt hơn những nỗ lực chắp vá các mảnh ghép tại từng khu vực riêng biệt – nơi mà ngày càng trở thành thiên đường ẩn náu cho các hoạt động rửa tiền, chẳng hạn như việc lập hóa đơn khống cho xuất khẩu.
Và để đảm bảo các phí tổn khi tạo dựng đặc khu kinh tế có thể được bù đắp nhiều hơn bởi số lượng công ăn việc làm tạo ra và các khoản đầu tư bên ngoài, chính phủ phải biết cách học hỏi từ những thất bại.
Rủi ro hình thành một nhà nước ngầm?
Thứ nhất, chỉ đưa ra ưu đãi tài chính có thể giúp một đặc khu vận hành được trong một thời gian ngắn, nhưng nó không thể trở thành một dự án dài hạn. Các đặc khu thành công nhất luôn được gắn chặt với cả nền kinh tế nội địa. Ví dụ, Hàn Quốc đã hình thành các liên kết tốt giữa đặc khu kinh tế với các nhà cung cấp địa phương.
Bên cạnh đó, các đặc khu cũng cần được kết nối với thị trường toàn cầu, mà việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích này có tác động lớn đến sự thành công của đặc khu, hơn là việc cắt giảm thuế.
Điều này thường đòi hỏi chính phủ phải chi tiêu công để nâng cấp đường xá, hệ thống đường sắt và cảng biển nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu. Thiếu các khoản đầu tư như vậy đã khiến nhiều dự án “đặc khu kinh tế” tại châu Phi bị sụp đổ, do thiếu nguồn cung cấp năng lượng ổn định, hoặc bởi chúng nằm quá cách xa cảng biển.
>> Sập ‘bẫy nợ’: Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm
Thứ hai, sự cân bằng hợp lý phải được tạo ra giữa việc giám sát hợp lý và việc cởi bỏ thủ tục hành chính quan liêu đối với các đặc khu này. Quá nhiều sự can thiệp từ trung ương sẽ phủ định thành công của dự án.
Có những lo ngại chính đáng rằng các đặc khu kinh tế của Nhật Bản sẽ thất bại, vì các quan chức chính phủ bác bỏ các ý kiến giảm bớt các thủ tục của chính phủ bởi lo sợ làm mất lòng các nhóm lợi ích. Việc trao quyền vận hành đặc khu kinh tế cho các nhà phát triển tư nhân đã được trải nghiệm thành công tại Philippines. Tuy nhiên, ý tưởng đầy tham vọng về những “thành phố tự trị” – vùng được hình thành xung quanh các khu đô thị mới với quyền tự thiết lập luật pháp riêng – có thể đẩy rủi ro hình thành một nhà nước ngầm (deep state) quá gần.
Giảm kiểm soát lên các SEZ?
Phương án này cũng có giới hạn của nó.
Thông thường, các khu vực tập trung xuất khẩu hoạt động tốt đối với hoạt động sản xuất gia công giá rẻ, và có ảnh hưởng lớn nhất khi chúng có các hàng rào bảo hộ thương mại cao (như ngành may mặc của Bangladesh).
Trong khi đó, đối với đặc khu kinh tế mới của Trung Quốc ở Thượng Hải, nơi chủ yếu tập trung vào các dịch vụ tài chính – việc dần dần bãi bỏ quy định của các hoạt động như giao dịch ngoại hối rất khó khăn để có thể thành công và tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định.
Nếu họ khuyến khích việc thử nghiệm trong các nền kinh tế cứng nhắc khác, các đặc khu kinh tế có thể hữu ích. Sự thất bại của một số dự án có vẻ như là một cái giá đáng giá nếu cuối cùng nền kinh tế tạo ra được một SEZ “bom tấn” như Thâm Quyến.
Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi sự hoạch định, sự kiên nhẫn và chúng luôn luôn không có được hiệu quả tốt bằng cải cách kinh tế trên toàn quốc nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại và tăng khả năng cạnh tranh.
Quốc gia nào không cần đến một “đặc khu kinh tế” thật sự là những quốc gia đặc biệt.
Theo The Economist,
Chân Hồ biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa đặc khu kinh tế Phú Quốc đặc khu kinh tế Thâm Quyến Đặc khu kinh tế Vân Đồn luật đặc khu