Đắk Nông : Nhiều tập đoàn muốn xây 4 nhà máy bô xít với số vốn khoảng 8 tỷ USD
- Khánh Vy
- •
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết nhiều tập đoàn trong nước nộp hồ sơ để đầu tư khai thác, chế biến bô xít với tổng số vốn lên đến khoảng 8 tỷ USD.
- Đắk Nông: 1/3 địa phương vướng quy hoạch bô xít
- 3 năm, gần 3.700 tỷ lỗ theo tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng
Truyền thông Nhà nước đưa tin ngày 6/1, tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Hồ Văn Mười cho biết đến nay, Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản. Ông Mười cho rằng việc này sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho tỉnh về vấn đề bô xít và đây là tiền đề cho địa phương khai thác bô xít.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết thêm rằng nhiều tập đoàn trong nước nộp hồ sơ để đầu tư khai thác, chế biến bô xít. Tổng số vốn đăng ký rất lớn, khoảng 8 tỷ USD.
Theo quy hoạch của Trung ương, Đắk Nông sẽ được xây dựng thêm 4 nhà máy về khai thác, chế biến bô xít. Tổng mức đầu tư của mỗi dự án không dưới 1 tỷ USD.
Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đắk Nông đứng đầu cả nước về bô xít.
Tổng trữ lượng quặng bô xít gần 1,8 tỷ tấn, chiếm hơn 57% trữ lượng. Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông trong thời kỳ này khoảng 179.600 ha, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh và rộng nhất cả nước.
2 dự án bô xít đội vốn, chậm tiến độ, ẩn chứa rủi ro ô nhiễm môi trườngHai dự án Tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng và dự án Alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Theo báo cáo thanh tra năm 2017, sau 3 năm, tức từ 10/2013 đến 30/9/2016, tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng đã lỗ tổng cộng 3.696 tỷ đồng, trong đó lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ cũng liên tục điều chỉnh tăng vốn. Năm 2007, tổng mức đầu tư phê duyệt dự án là 3.285 tỷ đồng (tương đương 205,3 triệu USD), công suất 300.000 tấn/năm. Sau 2 lần điều chỉnh, đến năm 2014, tổng vốn đầu tư cho dự án tăng lên đến 16.821 tỷ đồng (tương đương 814,9 triệu USD), công suất 650.000 tấn/năm. Dự án bị chậm tiến độ 6 năm (tiến độ hoàn thành ban đầu là năm 2010), chạy thử vào cuối năm 2016, đến quý 1/2017 mới bắt đầu vận hành thương mại. Theo báo cáo tài chính, tính đến hết tháng 9/2016, TKV đã rót tổng cộng 14.310 tỷ đồng vào dự án này. Không chỉ chậm tiến độ, đội vốn và báo lỗ nhiều năm, các dự án trên cũng từng xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường. Có nhiều dấu hiệu ẩn chứa rủi ro từ dự án, gây hiểm họa đầu độc đất, nước trên diện rộng. Trước đó ngày 9/9/2018, tại tỉnh Đắk Nông, sau khi mưa lớn, nước có màu nâu đỏ kèm theo bùn đất từ hồ chứa bùn thải sau khi rửa quặng bô xít nguyên khai chảy tràn ra suối Đắk Ker và cánh đồng thôn Quảng Trung, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp. Trong bùn thải sau khi rửa quặng bô xít chứa một số kim loại nặng, độc hại như mangan, arsenic, chất thừa thải của caustic… Đặc biệt caustic (xút) gây độc hại khi tiếp xúc qua da, gây bỏng, khi hít phải gây phá hủy màng niêm mạc và đường hô hấp, độc hại khi nhiễm qua đường tiêu hóa; gây ô nhiễm môi trường nước. |
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa bô xít nhà máy bô xít Tây Nguyên ô nhiễm bô xít Dự án bô xít alumin Nhân Cơ