Đằng sau nền kinh tế tiêu dùng mới của Trung Quốc
- Chân Hồ
- •
Trong nền kinh tế được quảng bá là đã chuyển sang động lực tiêu dùng tại Trung Quốc, chỉ có những người giàu mới chi tiêu nhiều hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn phải phụ thuộc vào đầu tư.
Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế lấy tiêu dùng làm động lực phát triển chứ không phải đầu tư cơ bản đã hoàn tất.
Ngày 14/12, phát ngôn viên văn phòng chính phủ Bắc Kinh, ông Mao Thắng Vĩnh, nói với các phóng viên: Mặc dù đầu tư và xuất khẩu vẫn được để thúc đẩy tăng trưởng, chi tiêu tiêu dùng hiện nay là yếu tố kéo tăng trưởng kinh tế. Những con số gần đây nhất cho thấy, tiêu dùng chiếm tới 64,5% GDP trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nói chung, các nền kinh tế mới nổi thường dựa vào chi đầu tư và xuất khẩu trước khi chuyển sang mô hình kinh tế tiêu thụ. Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự chuyển đổi này là chìa khoá để đạt được “sự phát triển chất lượng cao”. Và các công ty toàn cầu đã đổ xô đầu tư vào Trung Quốc để đón đầu sự bùng nổ tiêu dùng của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nhưng, một cái nhìn sâu hơn về nền kinh tế của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua cho thấy, “tiêu dùng” đã là một động lực chính trong quá khứ. Từ năm 1987 đến 2016, tiêu dùng đóng góp vào tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc nhiều hơn gấp 20 lần so với đầu tư.
Chỉ ở thời điểm đầu thế kỷ XXI, quốc gia này mới phụ thuộc nhiều vào đầu tư. Từ năm 2000 đến 2010, đầu tư đã có đóng góp cao hơn so với tiêu dùng trong 7 năm, thời điểm Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (năm 2001) và rất muốn thể hiện đà tăng trưởng ấn tượng với thế giới. Ngoài ra, sự gia tăng đầu tư còn đến từ việc Bắc Kinh tận dụng mọi đòn bẩy tài chính để ngăn chặn tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hiện tại, dường như Trung Quốc đang chuyển lại sang nền kinh tế lấy tiêu dùng làm trọng. Nhưng liệu người tiêu dùng có thực là động lực của nền kinh tế? Có lẽ là không. Sự thay đổi xảy ra đơn giản chỉ vì tăng trưởng đầu tư đã đạt đến điểm bão hòa của nó.
Nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư
Ngay cả khi tổng thể tiêu dùng đang đóng góp nhiều hơn vào GDP hiện tại, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và tiếp tục phải vật lộn với những tác dụng phụ của việc đầu tư quá mức.
Cụ thể, kể từ năm 2008, khi Bắc Kinh chống chọi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ NDT (610 tỷ USD hiện nay), đầu tư liên tục chiếm hơn 40%GDP, gấp đôi so với các nước phát triển khác (20%GDP). Đây là tỷ lệ cao bất thường cho một nền kinh tế lớn.
Trong khi đó, tỷ lệ chi tiêu của người dân trong GDP đã giảm xuống dưới mức 40% kể từ năm 2005. Tỷ lệ này thường dao động trên 50% trong những năm 1980, tuy nhiên, nó đã không vượt quá 50% kể từ năm 1990.
Conch Bay của Thiên Tân, một quận có diện tích 110 ha với cụm 40 tòa cao ốc, đã được kỳ vọng là thủ đô tài chính mới của Trung Quốc khi đầu tư tăng mạnh trong vài năm trước.. Nhưng cho đến cuối tháng 11/2017, nơi đây vẫn là một vùng hoang vắng không có dấu hiệu của sự sống. Một số tòa nhà vẫn đang được xây dựng, các đường phố trống rỗng, và thậm chí các tòa nhà xây xong cũng không có người đến sống.
Một tòa nhà cao ốc tại Conch Bay của thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.
Từ năm 2000 đến 2010, đầu tư vào Thiên Tân – quê hương của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo – đã tăng lên 10,3 lần. Trong khi đầu tư tại Bắc Kinh cũng tăng vọt trong cùng thời kỳ, nhưng chỉ tăng 3,6 lần, mặc dù thời điểm đó Bắc Kinh đang chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic mùa hè 2008.
“Vào thời điểm đó, thành phố có hàng loạt các dự án quốc gia và đầu tư được ưu tiên”, một viên chức của chính quyền thành phố Thiên Tân nói. “Sau này chúng tôi đã nhận ra rằng Thiên Tân đã tụt lại phía sau các thành phố khác về đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển”.
Khoảng cách giàu nghèo gia tăng
Thoạt nhìn, tiêu dùng ở Trung Quốc dường như được đẩy mạnh, doanh số bán hàng trực tuyến vào ngày lễ Độc thân (11/11) theo ghi nhận của trang web bán hàng trực tuyến Alibaba nước này lên đến 25,4 tỷ USD. Tuy nhiên trên thực tế, tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng chỉ tăng 8,8% trong tháng 11, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 12% của năm 2012.
Sự tăng trưởng chậm lại trong thu nhập của tầng lớp trung lưu được xem là một nguyên nhân dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm sút.
Để hiểu những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, chúng ta cần lưu ý sự khác biệt giữa thu nhập hộ gia đình “trung bình” (lấy tổng thu nhập chia cho đầu người, cách tính này sẽ không loại trừ được chênh lệch giàu nghèo) và “trung vị” (lấy theo mức thu nhập ở giữa, loại bỏ hạn chế của cách tính trung bình, phản ánh đúng thực tế thu nhập bình quân đầu người, và thường được các nước tiên tiến sử dụng).
>> Khoe khoang kiểu Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam khác gì nhau?
Theo thống kê, thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình ở Trung Quốc tăng 9,1% trong 9 tháng đầu năm 2017, vượt qua tốc độ tăng trưởng vào năm 2015 và 2016.
Tuy nhiên, thu nhập khả dụng trung vị chỉ tăng 7,4%, có lẽ đây mới là cách đo lường chính xác về nền kinh tế.
Giả sử có 100 hộ gia đình. Thu nhập khả dụng trung vị là mức thu nhập của hộ có thu nhập cao thứ 50. Nếu một hộ gia đình có thu nhập 1 triệu USD trong khi 99 hộ còn lại kiếm được chỉ 10.000 USD mỗi hộ, mức thu nhập trung bình sẽ được đội lên rât cao, nhưng thu nhập trung vị của hộ ở giữa vẫn chỉ là 10 nghìn đô.
Ở Trung Quốc, nơi mà sự giàu có tập trung chủ yếu vào các cán bộ ĐCS và những người cùng bè phái, mức thu nhập trung bình dường như không có nhiều ý nghĩa vì khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Thay vào đó, chỉ số quan trọng hơn là thu nhập trung vị.
Thực tế, bong bóng bất động sản ở các thành phố lớn Trung Quốc vào năm 2016 đã tạo ra tầng lớp những tỷ phú mới, đẩy mức thu nhập trung bình tăng lên và mở rộng khoảng cách giàu nghèo giữa tầng lớp giàu có và trung lưu.
Trong khi đó, mô hình kinh tế dựa vào tiêu thụ gợi ý rằng phần lớn người dân không sẵn lòng chi tiêu. Ví dụ, giá cổ phiếu và doanh số bán hàng của nhà sản xuất rượu hàng đầu Trung Quốc, Quý Châu Mao Đài, tăng gần với mức cao kỷ lục là do nhu cầu về rượu trắng Baijiu cao cấp vẫn còn mạnh. Nhưng, rượu Baijiu loại thông thường lại không tăng theo cùng chiều.
Ngoài ra, doanh số bán mì ăn liền, một mặt hàng thiết yếu của các hộ gia đình có thu nhập thấp, đã giảm trong 3 năm liên tiếp. Thị trường bia Trung Quốc cũng có sự suy giảm tương tự, nhưng nhu cầu về bia cao cấp thì lại gia tăng mạnh mẽ.
Điều đó nói lên rằng, mặc dù có vẻ giống như tiêu dùng đang trở thành động lực thúc đẩy của nền kinh tế, nhưng chủ yếu là từ nhóm những người giàu có. Một lo lắng khác là nợ của các hộ gia đình Trung Quốc gia tăng biểu hiện cho sự không bền vững của nền kinh tế Trung Quốc.
>> Người dân Trung Quốc mất 90% thu nhập để trả nợ: Tiền chảy đi đâu?
Tính đến cuối tháng 6/2017, các hộ gia đình Trung Quốc đã phải chịu gánh nặng nợ tương đương với 47%GDP, tăng 28 điểm phần trăm so với 10 năm trước.
Mặc dù tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức 78% ở Mỹ và 57% ở Nhật Bản, tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng sự gia tăng nợ trong các hộ gia đình Trung Quốc gợi nhớ lại những gì đã diễn ra trước khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ và bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Đáng chú ý, nhiều gia đình trung lưu của Trung Quốc đã dùng những khoản thế chấp lớn để mua nhà giữa lúc giá nhà tăng cao, điều này khiến họ miễn cưỡng hoặc không thể chi tiêu cho những thứ khác.
“Tôi lo lắng về khoản tiền hưu của tôi, việc chi trả dịch vụ y tế và học phí cho con tôi”, một nhân viên công chức gần đây đã mua một ngôi nhà ở ngoại ô Bắc Kinh với giá 3,5 triệu NDT (tương đương hơn 12 tỷ đồng hay 534.000 USD) cho biết, “Việc mở hầu bao đối với tôi bây giờ không hề dễ dàng.”
Theo Nikkei Asian Review,
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa Tăng trưởng kinh tế chênh lệch giàu nghèo kinh tế Trung quốc