Đầu tư của Trung Quốc vào các nước “Vành đai và Con đường” cao kỷ lục
- Theo RFI
- •
Theo báo Financial Times (Anh), một nghiên cứu mới cho thấy tổng giá trị các hợp đồng đầu tư và xây dựng mới mà các doanh nghiệp Trung Quốc ký kết trong năm nay tại các quốc gia thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã đạt mức cao kỷ lục. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục mở rộng thị trường nước ngoài và tăng cường hợp tác với các nước dọc theo “Vành đai và Con đường” – một chiến lược rõ rệt trái ngược với cách tiếp cận của Washington, trong khi chính quyền Trump ở Mỹ đang áp thuế cao đối với các đối tác thương mại toàn cầu của mình.
Theo một nghiên cứu do Đại học Griffith (Úc) và Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh Bắc Kinh thực hiện, trong nửa đầu năm nay, tổng giá trị các hợp đồng xây dựng và đầu tư của Trung Quốc tại các quốc gia thuộc “Vành đai và Con đường” đã đạt 124 tỷ USD, với 176 thương vụ, vượt qua tổng giá trị 122 tỷ USD của cả năm 2024.
Tác giả nghiên cứu, ông Christoph Nedopil Wang cho biết: “Ngay cả trong bối cảnh các hoạt động của ‘Vành đai và Con đường’ đã tăng trưởng ổn định kể từ sau đại dịch COVID-19, thì mức gia tăng đột biến trong năm nay của Trung Quốc vẫn khiến người ta ngạc nhiên. Điểm khác biệt của năm 2025 là quy mô: nhiều giao dịch lớn, mỗi thương vụ có giá trị vượt quá 10 tỷ USD.”
Ông Wang cho rằng, chiến tranh thương mại do thuế quan của ông Trump khơi mào, cùng với tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại và nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như thị trường, đã khiến một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng ra nước ngoài. Trong khi đó, các quốc gia thuộc “Vành đai và Con đường” lại coi đây là cơ hội để tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu đang thay đổi.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013, nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế và thương mại của ĐCSTQ với hơn 150 quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng đột biến trong nửa đầu năm nay đã đưa tổng giá trị hợp đồng và đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến này lên 1.300 tỷ USD, bao gồm khoảng 775 tỷ USD là hợp đồng xây dựng và 533 tỷ USD là đầu tư phi tài chính.
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng: “Năm 2025, mức độ tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng trong sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ đã đạt mức cao nhất kể từ khi sáng kiến được đề xuất.” Khu vực có tổng giá trị đầu tư và hợp đồng xây dựng cao nhất là châu Phi với 39 tỷ USD, tiếp theo là Trung Á với 25 tỷ USD.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng, trong nửa đầu năm nay, các hợp đồng và đầu tư xây dựng trong lĩnh vực dầu khí đã tăng vọt lên mức kỷ lục khoảng 44 tỷ USD, vượt qua tổng mức cả năm 2024. Trong đó, một dự án cơ sở chế biến tại Nigeria trị giá tới 20 tỷ USD. Kazakhstan là quốc gia nhận được lượng đầu tư lớn nhất từ Trung Quốc trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”, với tổng trị giá 23 tỷ USD, trong khi khu vực Mỹ Latinh lại ghi nhận mức đầu tư thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Các công ty Trung Quốc cũng đạt kỷ lục gần 10 tỷ USD đầu tư và hợp đồng trong các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời và nhà máy điện từ rác thải tại các quốc gia đối tác. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư vào than đá, đồng thời rót gần 25 tỷ USD kỷ lục vào ngành kim loại và khai khoáng.
Các nhà nghiên cứu khác cũng xác nhận xu hướng gia tăng các giao dịch trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”. Công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group của Mỹ cho biết, trong Quý I năm nay, các công ty Trung Quốc đã công bố tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước “Vành đai và Con đường” đạt gần 15,9 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo RFI
Từ khóa sáng kiến 'Vành đai và Con đường'
