Đề xuất cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm cho khách vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi
- Phan Vũ
- •
Nội dung đề xuất khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi (bão số 3) dự kiến được cơ cấu hạn trả nợ tối đa 1 năm nằm trong Dự thảo Thông tư đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến.
Chính sách này dự kiến sẽ áp dụng cho khách hàng vay vốn là tổ chức, cá nhân đang gặp khó khăn trong việc trả nợ tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão Yagi vừa qua, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa.
Theo Dự thảo, dự kiến NHNN sẽ cho phép các ngân hàng thương mại được quyền cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gốc, lãi dựa trên đề nghị của khách hàng và khả năng tài chính của chính ngân hàng.
Nhóm áp dụng của chính sách là những khách hàng có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9/2024 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi từ ngày 7/9/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Việc xem xét cơ cấu hạn trả nợ được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày Thông tư có hiệu lực và thời gian cơ cấu hạn trả không quá 1 năm. Thời điểm trả nợ cuối cùng của khoản vay được cơ cấu, tùy theo mức độ khó khăn của khách hàng, nhưng không được muộn hơn ngày 31/12/2026.
Để được hưởng chính sách này, khách hàng phải chứng minh được mình hoặc đối tác kinh doanh gặp khó khăn trong trả nợ do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3. Ngân hàng sẽ đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn. Ngoài ra, đây phải là khoản nợ tuân thủ các quy định của pháp luật.
Dự thảo Thông tư cũng quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
Theo NHNN, chính sách hoãn, giãn nợ là rất cần thiết để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 có thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống. Đồng thời, đây cũng là biện pháp giúp giảm thiểu nguy cơ nợ xấu bởi nhiều khách hàng chưa có khả năng trả nợ đúng hạn sẽ rơi vào nợ xấu. Đây cũng là giải pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau những thiệt hại nặng nề do cơn bão Yagi gây ra.