Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm gây tranh cãi
- Chân Hồ
- •
Tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi 5 luật thuế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), luật sư Trương Thanh Đức đề xuất đánh thuế đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm có mức lãi lớn (khoảng hàng trăm triệu đồng).
Ông Đức cho rằng ở nước ngoài đã áp dụng thuế đối với các khoản tiền gửi ngân hàng từ lâu, Việt Nam cũng nên theo xu hướng chung với thế giới.
Đề xuất này được một số chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng từng có thời gian làm việc tại Mỹ nói: “Thu nhập từ lãi tiết kiệm nên được xem như một thu nhập thông thường và phải chịu thuế thu nhập. “ Theo ông Hiếu, để không gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế, có thể đánh thuế với mức thấp khoảng 5%.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm nên được hiểu như là lãi suất huy động chỉ bị giảm đi một chút, quan trọng là đánh thuế với mức bao nhiêu cho phù hợp.
Các ngân hàng lo ngại
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết họ tỏ ra lo ngại đề xuất này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn, vốn là nguồn mạch sống của các ngân hàng, qua đó gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Trong một trao đổi được đăng trên báo Vnexpress, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) phụ trách khối nguồn vốn và ngoại hối bày tỏ: “Cần làm rõ mục tiêu đánh thuế là để làm gì?”
Trên thực tế, nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu đến từ việc huy động các khoản tiền gửi tiết kiệm trong dân chúng, và hệ thống này cho đến nay vẫn là kênh cung cấp vốn chủ lực cho toàn bộ nền kinh tế.
Do đó, việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến nguồn huy động vốn của ngân hàng dễ bị tổn thương, đẩy toàn bộ hệ thống vào cuộc chạy đua về lãi suất huy động, điều này quay trở lại áp lực lên các doanh nghiệp do lãi suất cho vay buộc phải tăng theo. Các doanh nghiệp nội địa vốn đã khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn.
Chưa kể, nếu việc gửi tiền vào ngân hàng bị đánh thuế, người dân sẽ chọn giải pháp khác thay thế, dòng tiền sẽ chảy vào USD, vàng và các kênh đầu tư khác như bitcoin là một lựa chọn khả dĩ trong thời điểm hiện tại, khiến nguy cơ mất giá đồng tiền Việt, lạm phát gia tăng.
>> Công thức đơn giản để trở thành triệu phú bitcoin, theo một chuyên gia về đồng tiền ảo
Ông Trung còn cho biết thêm, tỷ lệ tiết kiệm trên đầu tư của Việt Nam hiện đang còn ở mức khá thấp, thu nhập người dân cũng chưa cao. Do đó, trước mắt nên ưu tiên người dân gửi tiền vào ngân hàng, giờ chưa phải là lúc đánh thuế này.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng cho rằng thời điểm này là chưa phù hợp để đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. “Việc đánh thuế lãi tiền gửi ở những nước phát triển là bình thường nhưng Việt Nam thì lại chưa nên đặt ra, nhất là khi chúng ta đang có quá nhiều sắc thuế rồi. Hơn nữa, đây cũng không phải là nguồn thu quá quan trọng cho ngân sách. Nếu không nghiên cứu đánh giá cẩn thận có thể còn gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế”, ông Lực cảnh báo.
Người dân đã đang chịu quá nhiều loại thuế
Ngay khi có đề xuất tính thuế đối với lãi tiền gửi ngân hàng, từ phía những người trong cuộc, một khách hàng của ngân hàng SHB cho rằng trước khi có được số tiền dư để gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì anh đã phải đóng đủ các loại thuế như thuế môn bài, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân. Giờ lại tiếp tục đánh thuế lên số tiền tiết kiệm còn lại thì sẽ thuế chồng thuế.
Ngoài ra, một vấn đề mà nhiều người đều biết rằng mức lãi suất ngân hàng vào khoảng 6 – 7%/năm chưa thể bù đắp được sự trượt giá của đồng tiền do lạm phát, và thiệt hại do sự mất giá này chính người gửi tiền phải chịu nhận lấy vì không còn lựa chọn nào khác.
Đấy là chưa kể bảo hiểm tiền gửi hạn mức cao nhất cũng chỉ có 70 triệu, nghĩa là cho dù anh gửi bao nhiêu tỷ trong ngân hàng đi chăng nữa, một khi có rủi ro xảy đến do ngân hàng mất khả năng chi trả thì anh cũng chỉ nhận được số tiền bồi thường tối đa 70 triệu, người gửi tiền đang phải chịu mức rủi ro lớn. Nếu lại đánh thuế nữa thì thật rất không công bằng đối với người dân.
Cách đây một tháng, dư luận cũng đã dậy sóng khi Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT lên mức 12% và cho rằng việc tăng thuế này không ảnh hưởng đến người nghèo. Tiếp sau đó là đề xuất đánh thuế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp.
>> Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT lên 12%
Do đó, việc đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm trong lúc người dân đều đang phản ứng dữ dội với các loại thuế là điều không nên làm. Ngoài ra điều này đi ngược với chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng của Thủ Tướng vừa mới được đưa ra. Bởi vậy, các chủ trương chính sách nếu không được cân nhắc trong một bức tranh tổng thể nền kinh tế sẽ dễ dẫn đến không nhất quán, mâu thuẫn lẫn nhau.
Chân Hồ (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Thuế Kinh tế Việt Nam Chính sách kinh tế