Cần giảm lãi suất đồng loạt để ‘cứu’ doanh nghiệp
- Nguyên Hương
- •
Do tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) trên toàn thế giới, thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị thu hẹp, các hoạt động giao thương liên vùng hạn chế, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đều bị sụt giảm doanh thu. Chi phí trả lãi vay đang là gánh nặng lớn trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. Khối nợ xấu tăng lên do nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh giảm lãi, thua lỗ không thể trả lãi theo các hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng. Nguy cơ vỡ nợ diện rộng đang được phát đi trên toàn hệ thống tín dụng.
NHNN nói từ đầu năm 2020 đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành
Hôm 15/6, Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường Vụ Quốc hội chuyển văn bản số 223/BDN nêu ý kiến Cử tri tỉnh Đắk Nông gửi tới Kỳ họp 9 Quốc hội khóa 14 kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại (NHTM) điều chỉnh mức lãi suất cho vay và giải pháp đồng bộ trong toàn hệ thống ngân hàng hỗ trợ để tránh việc người dân phải tìm đến, phụ thuộc vốn vay tín dụng đen, đồng thời có giải pháp giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ.
Trả lời kiến nghị của cử tri Đắk Nông, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tiếp 2 lần các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh trong nhiều năm qua.
Ngày 17/3, NHNN giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5-1%, giảm 0,5% trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,5%/năm xuống 3%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 3,5%/năm xuống 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Ngày 13/5, NHNN tiếp tục giảm đồng bộ 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành để định hướng điều hành giảm lãi suất, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD); giảm 0,3-0,5%/năm trần lãi suất huy động và tiếp tục giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nhằm tiếp tục giảm chi phí vốn vay của khách hàng, hiện ở mức 5%/năm.
Theo đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm, lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5,5% xuống 5%/năm.
Đồng thời, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của Ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống, khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, trong đó, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, cắt giảm lợi nhuận, lương thưởng để giảm lãi suất tối đa.
NHNN cho biết nhờ thực hiện các biện pháp trên, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm ở mức 6-9%/năm đối với vay ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với lĩnh vực ưu tiên lãi suất đã giảm được 1% so với đầu năm, hiện ở mức 5%/năm.
Mức giảm lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam cũng nằm trong động thái chung của các nước trong khu vực: Philippines giảm 1,75%, Thái Lan giảm 0,75%, Indonesia giảm 1%, Ấn Độ giảm 1,15%, Trung Quốc giảm 0,3%.
Tuy nhiên, thực tế có diễn ra đúng như giải pháp tiền tệ mà NHNN đưa ra?
Ngân hàng tung ra các gói tín dụng lãi suất thấp nhưng trên thực tế siết chặt tín dụng
Mặc dù các ngân hàng đều đưa các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp, trên thực tế các doanh nghiệp cho biết mặt bằng lãi suất cho vay còn rất cao, hơn nữa các điều kiện cho vay cũng siết chặt lại.
Điều này đã được cử tri Đăk Nông chỉ ra khi đặt câu hỏi, rằng các ngân hàng đã thay đổi phương pháp định giá tài sản, cùng một tài sản đảm bảo, trước ngân hàng cho vay số tiền lớn, nay định giá lại để đáo hạn thì cũng ngân hàng đó chỉ cho vay số tiền ít hơn, khiến người dân phải tìm đến tín dụng đen để bù vào phần vốn không tiếp tục được vay.
Không chỉ siết chặt các điều kiện cho vay, NHTM cũng chỉ chào các gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa với những khoản vay thấp hơn 10 tỷ đồng ít có cơ hội tiếp cận lãi suất ưu đãi.
Có nghĩa là, mặc dù tất cả NHTM đều đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời kỳ dịch COVID-19, nhưng cũng đồng thời siết chặt các tiêu chuẩn cho vay lại. Theo một khảo sát được tiến hành trong nội bộ khối ngân hàng, xu hướng siết chặt tín dụng này sẽ vẫn được khối ngân hàng áp dụng trong những tháng cuối năm 2020.
Báo cáo của NHNN cũng ghi nhận tăng trưởng dư nợ tín dụng cực thấp của các ngân hàng những tháng đầu năm 2020. Đến ngày 5/8, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng chỉ 3,79% so với cuối năm 2019, chưa tới 50% so với mức tăng trưởng các năm (tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2016: 18,25%, năm 2017: 18,28%, năm 2018: 13,89%; năm 2019: 13,65%).
Đồng thời, dư nợ lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng rất thấp, có lĩnh vực còn giảm. Cụ thể, dư nợ đến cuối tháng 6, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 3,19%, chiếm 24,81%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1,67%, chiếm 19,18%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,72%, chiếm 2,95%; công nghiệp hỗ trợ giảm 1,15%, chiếm 2,69%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 0,23%, chiếm 0,36%.
Hỗ trợ của NHNN chưa thẩm thấu tới doanh nghiệp, cử tri kiến nghị giảm đồng bộ lãi suất huy động ít nhất 2%
Có thể nói, việc NHNN giảm lãi suất điều hành trong thời gian qua đã tác động phần nào tới lãi suất cho vay trên thị trường. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ lãi suất tái cấp vốn của NHNN dường như mới chỉ hỗ trợ khối ngân hàng vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.
Phần hỗ trợ này chưa thẩm thấu tới được người dân, doanh nghiệp mà đây mới chính là khu vực tạo ra giá trị của cải vật chất cho nền kinh tế. Khi chi phí đầu vào của các ngân hàng (lãi suất huy động) còn rất cao thì mặt bằng lãi suất cho vay không thể giảm. Các hỗ trợ của NHNN thời gian qua cũng chỉ tới được một số ít khách hàng ưu tiên, lĩnh vực ưu tiên. Và đây cũng chính là kẽ hở cho tham nhũng trong hoạt động xét duyệt, gia hạn các khoản vay ưu đãi của khối ngân hàng.
Do đó, nhiều ý kiến doanh nghiệp kiến nghị NHNN giảm lãi suất tiền gửi huy động đồng loạt trên toàn hệ thống tín dụng, với mức giảm tối thiểu 2% để các ngân hàng thương mại có cơ sở giảm lãi vay tương ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Thời gian đề nghị giảm lãi suất huy động tối thiểu 1 năm do dịch bệnh có khả năng kéo dài.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Từ khóa nợ xấu Lãi suất ngân hàng COVID-19