Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2020 đã được kiểm soát, duy trì ở mức dưới 3%. Cụ thể, cuối năm 2016 là 2,46%, cuối tháng 8/2017 là 2,45%, cuối năm 2017 là 1,99%, cuối năm 2018 là 1,91%, cuối năm 2019 là 1,63% và thời điểm 31/5/2020 là 1,86%. Tuy nhiên, trong năm 2020, các chuyên gia lo ngại rằng bức tranh nợ xấu có thể bị bóp méo bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN ra đời dưới áp lực kinh tế bởi dịch COVID-19. 

no
Các chuyên gia lo ngại nợ xấu không được giải quyết mà chỉ chuyển sang dạng khác. (Ảnh minh họa: TuckerBlade/Shutterstock)

Nghị quyết 42 phát đi thông điệp có vay có trả – Nợ xấu lập tức giảm dần

Thực tế Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã có tác động tích cực tới công tác xử lý nợ xấu.

Cụ thể, luỹ kế từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 160,92 nghìn tỷ đồng (chiếm 54,76% tổng nợ xấu xử lý), xử lý nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 67,28 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,89%), xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65,68 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,35%).

Trung bình mỗi ngày xử lý 7,15 nghìn tỷ đồng/ tháng, cao hơn mức 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng trước khi ban hành Nghị quyết 42.

Thông qua các hình thức xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 42, đặc biệt là quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo điều 7 đã đẩy nhanh được tiến độ thu hồi nợ. Các khoản nợ xấu thu hồi từ khách hàng trả nợ đạt 121,34 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 75,1% tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý. Tình trạng trây ì không trả nợ giảm.

COVID-19 lại khiến nợ xấu dâng trở lại

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD giảm liên tục qua các năm nhưng đột ngột tăng trở lại bắt đầu từ Quý 2/2020. Đây là tác động bước đầu của dịch bệnh lên các chỉ số tín dụng của Việt nam.

Báo cáo bán niên 2020 cho thấy tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm nay, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56%.

Tương tự, tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,75% lên 2%.

Tại VietinBank, tổng nợ xấu tính đến 30/6/2020 tăng đến 48% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 250% và nợ nghi ngờ tăng 84%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,7%.

Tổng nợ xấu của Sacombank đã tăng 17% so với đầu năm 2020, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,94% lên mức 2,15% vào cuối tháng 6. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 190% và nợ nghi ngờ tăng 32%.

Tổng nợ xấu của ACB tại ngày 30/6 tăng 32% so với đầu năm nay, lên mức 1.918 tỷ đồng (đã loại bỏ hơn 2.082 tỷ đồng cho vay khách hàng của ACBS). Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 48% (348 tỷ đồng) và nợ nghi ngờ tăng 64% (510 tỷ đồng), khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,54% lên 0,68%.

Còn tại Eximbank, cho vay khách hàng giảm tới 9.725 tỷ đồng nhưng nợ xấu tăng 12%, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng đột biến tới 98% lên 1.614 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 2,1%, trong khi tỷ lệ này đầu năm là 1,7%. Hiện, Eximbank còn khoản nợ 746 tỷ đồng, được thế chấp tài sản bằng 75 triệu cổ phiếu của Sacombank vẫn chưa xử lý được. Tính đến 30/6/2020, Eximbank còn 2.782 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC. Nếu tính gộp nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này sẽ phải là 4,8%.

Nợ xấu trên báo cáo chưa phản ánh hết thực tế…

Các chuyên gia lo ngại rằng bức tranh nợ xấu có thể bị bóp méo bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Đây là Thông tư được NHNN ban hành vào ngày 13/3/2020 quy định về việc các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Vận dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN các ngân hàng có thể che giấu những tài sản có vấn đề bị ảnh hưởng bởi COVID-19, khi các tài sản bị ảnh hưởng này được cơ cấu lại thời gian trả nợ hoặc được khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Ví dụ, trước khách hàng không trả nợ trong X ngày thì bị chuyển sang nhóm nợ xấu cấp Y. Nhưng hiện tại, ngân hàng không chuyển nhóm nữa mà giữ nguyên như cũ. Nói cách khác, nợ xấu của các nhóm thay vì có nguy cơ “thăng cấp”, “nhảy nhóm” thì theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, trước mắt có cơ sở pháp lý để được tạm giữ nguyên.

Song, qua thực hiện theo thống kê của NHNN, chỉ khoảng 2,2% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng được tái cấu trúc theo Thông tư 01/2002/TT-NHNN tính đến nửa đầu năm nay. Đây là con số khá thấp so với tổng dư nợ. Điều này có nghĩa ngay cả khi ngân hàng giãn nợ thì khách hàng cũng không muốn vay, vì kinh doanh quá rủi ro.

Dự đoán trong thời gian tới, nợ xấu sẽ tăng mà không thể hiện trên báo cáo chính thức. Tăng trưởng tín dụng sẽ thấp vì doanh nghiệp không muốn vay, cũng không thể có phương án kinh doanh khả thi có lãi.

Khối ngân hàng cũng tăng nguy cơ khi doanh thu thấp (do doanh nghiệp không vay), rủi ro cao (do nợ xấu tăng). Không loại trừ khả năng có ngân hàng phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Hiện Chính phủ đã hỗ trợ bằng cách giảm lãi suất liên ngân hàng, có nghĩa là ngân hàng cần vốn thì có thể vay nóng trên thị trường liên ngân hàng với giá rẻ.

Tuy nhiên, ngân hàng cũng gặp khó khăn trong vận hành doanh nghiệp khi chi phí mặt bằng, lao động, công nghệ vẫn rất cao. Hiện một số ngân hàng tăng tuyển dụng các vị trí kinh doanh cho dịch vụ bán chéo (cross sales) các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Một số bắt đầu chuyển nhân viên quầy sang bán bảo hiểm nhân thọ và nhóm sản phẩm phụ trợ khác, hoặc đưa yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ vào khoản vay thế chấp.

Nguyên Hương

Xem thêm: