Ngày 7/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo lùi thời gian dự kiến cho đợt tăng lãi suất đầu tiên sau khủng hoảng tài chính toàn cầu ít nhất cho đến hết năm nay.

Embed from Getty Images
Ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB trong cuộc họp báo hôm 7/3

Tuyên bố của ECB nhấn mạnh: “Hội đồng Thống đốc dự kiến lãi suất chủ chốt của ECB sẽ giữ ở mức hiện tại cho tới ít nhất hết năm 2019.” Lãi suất cơ bản của ECB hiện ở mức 0,25% đối với các khoản cho vay và – 0,4% đối với tiền gửi.

ECB còn đưa ra Chương trình Tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu lần thứ ba (TLTRO III) với các khoản vay 2 năm nhằm giúp các ngân hàng đảo nợ số khoản vay có tổng trị giá 720 tỷ Euro trong chương trình TLTRO hiện tại, tránh để xảy ra tình trạng thắt chặt tín dụng có khả năng khiến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thêm tồi tệ.

Trong lần họp này, ECB hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu năm 2019 xuống còn mức 1,1% (giảm thấp hơn hẳn so mới dự báo 1,7% đưa ra hồi tháng 12/2018). Dự báo tốc độ lạm phát năm nay cũng giảm xuống 1,2% so với mức dự đoán 1,6% hồi tháng 12/2018.

Ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB cho biết các yếu tố địa chính trị như sự không chắc chắn về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, thương mại thế giới chậm hơn, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự yếu kém ở một số thị trường mới nổi đang đè nặng lên nền kinh tế châu Âu. Ý rơi vào suy thoái vào cuối năm 2018 và Đức cũng mấp mé bờ suy thoái.

Embed from Getty Images
Sắc thái ảm đảm vẫn bao trùm kinh tế khu vực đồng Euro

Lần cuối cùng ECB tăng lãi suất là tháng 4 năm 2011, sáu tháng trước khi ông Mario Draghi tiếp quản vị trí Chủ tịch ECB, thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đe dọa phá hủy đồng Euro. Dự kiến tháng 10 năm nay, Ông Mario Draghi sẽ kết thúc nhiệm kỳ 8 năm của mình. Trong suốt thời gian này, do kinh tế của khu vực suy yếu nên ECB vẫn luôn duy trì lãi suất ở mức thấp mà chưa tăng một lần nào.

Sự điều chỉnh chính sách của ECB được đánh giá là cùng xu hướng với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Gần đây, FED đã phát tín hiệu dừng nâng lãi suất và tuyên bố sẽ dừng chương trình bán tài sản trong năm nay.

Ngay sau khi EDB hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực và tuyên bố lùi thời hạn tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp khi đóng cửa sàn giao dịch ngày 7/3.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,8%, còn 25.473,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, còn 2.748,93 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 1,1%, còn 7.421,46 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng là nhóm dẫn đầu sự đi xuống của thị trường trong phiên này. Các cổ phiếu Bank of America, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Citigroup đồng loạt giảm hơn 1%.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã giảm 3 phiên liên tiếp khi giới đầu tư đang chờ đợi diễn biến mới của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Ở một diễn biến khác, tuyên bố của ECB cũng khiến đồng USD tăng giá mạnh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có đồng Euro. Chỉ số Dollar Index tăng 0,85%, đạt 97,7 điểm. So với đồng Euro, đồng USD tăng 1,1%, đạt tỷ lệ 1,1181 USD đổi 1 Euro.

Hoàng Giang

Xem thêm: