EU đề nghị với Hoa Kỳ về “thuế quan 0 đổi 0” đối với hàng hóa công nghiệp
- Hải Đăng
- •
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm thứ Hai (7/4) nói rằng Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump một thỏa thuận thương mại “thuế quan 0 đổi 0” đối với hàng hóa công nghiệp với Washington nhằm tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Mặc dù bà Ursula von der Leyen tiếp tục lên án các biện pháp thuế quan đối ứng do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ban hành để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại xuyên Đại Tây Dương kéo dài, nhưng khi áp lực từ các thị trường bắt đầu hình thành, nhà lãnh đạo EU và các quan chức cấp cao khác của khối liên minh này đã bày tỏ mong muốn đàm phán với Nhà Trắng.
“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ. Chúng tôi đã đề nghị áp thuế quan 0 đổi 0 đối với hàng hóa công nghiệp như chúng tôi đã thực hiện thành công với nhiều đối tác thương mại khác. Bởi vì châu Âu luôn sẵn sàng cho một thỏa thuận tốt. Vì vậy, chúng tôi giữ nguyên thỏa thuận trên bàn đàm phán“, bà Ursula von der Leyen cho hay.
Tuy nhiên, chính trị gia người Đức này không đề cập đến các vấn đề quan trọng khác mà chính quyền Trump nêu ra, chẳng hạn như các hạn chế đối với nhập khẩu thực phẩm của Mỹ hoặc có lẽ quan trọng hơn là thuế quan của EU đối với ô tô do Mỹ sản xuất hiện đang ở mức khoảng gấp bốn lần mức thuế đối với ô tô châu Âu khi được xuất cảng sang Hoa Kỳ.
Bà Ursula von der Leyen cảnh báo rằng Brussels “sẵn sàng phản ứng thông qua các biện pháp đối phó và bảo vệ lợi ích của chúng tôi nếu tranh chấp thương mại vẫn tiếp diễn“.
Nhà lãnh đạo EU cho biết Brussels sẽ thực hiện cách tiếp cận hai hướng đối với thuế quan của ông Trump, trước tiên là giảm các rào cản nội bộ trong khối — trái ngược với việc giảm thêm các rào cản với Hoa Kỳ — và “đa dạng hóa” các đối tác thương mại của châu Âu.
“Đây là lý do tại sao chúng tôi đang làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác thương mại của mình: Bạn biết các thỏa thuận mà chúng tôi đã thực hiện với Mercosur, Mexico, Thụy Sĩ và chúng tôi đang hợp tác với Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Với điều đó, chúng tôi muốn nói rõ ràng: Châu Âu sát cánh cùng nhau vì doanh nghiệp của chúng tôi và với doanh nghiệp của chúng tôi vì tất cả người châu Âu trong Liên minh châu Âu và hơn thế nữa“, bà Ursula von der Leyen cho biết.
Trong khi đó, phát biểu riêng tại một cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế ở Luxembourg, đặc phái viên thương mại hàng đầu của EU, Maroš Šefčovič, cho biết “tình hình thương mại hiện tại với Hoa Kỳ, đối tác quan trọng nhất của chúng tôi, đang ở trong tình thế khó khăn“.
Chính trị gia người Slovakia này cho biết ước tính 70% hàng xuất khẩu của EU sang Hoa Kỳ, tương đương khoảng 380 tỷ EUR (414 tỷ USD), đang phải đối mặt với mức thuế từ 20% đến 25%. Ông Šefčovič nói rằng con số này sẽ lên tới 80 tỷ EUR tiền thuế mà Washington áp đặt, tăng so với mức 7 tỷ EUR phải nộp ở mức thuế quan trước đó.
Cú sốc thuế quan tiếp tục làm rung chuyển các thị trường châu Âu vào thứ Hai (7/4), với chỉ số Eurostoxx 600 giảm khoảng 5% vào giữa trưa. Điều này có lẽ đã thúc đẩy các quan chức châu Âu đưa ra những lời đề nghị với chính quyền Trump để ngăn chặn tình trạng sụt giảm này.
Giống như bà Von der Leyen, ông Šefčovič đã đưa ra một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng, nói rằng “mối quan hệ thương mại EU-Hoa Kỳ có thể được hưởng lợi từ một diện mạo mới và sự thúc đẩy trong các lĩnh vực chiến lược“.
“Chúng ta phải đối mặt với những thách thức tương tự, ví dụ như tình trạng dư thừa năng lực toàn cầu do các hoạt động phi thị trường thúc đẩy, cuộc đua giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực chất bán dẫn hoặc đảm bảo các khoáng sản quan trọng. Nếu chúng ta hợp tác, chúng ta có thể xây dựng một thị trường xuyên Đại Tây Dương thực sự có lợi cho cả hai bên“, ông Šefčovič nói.
Tuy nhiên, quan chức EU này cũng nói về một “sự thay đổi mô hình” trong đó châu Âu nên nhìn xa hơn Hoa Kỳ. Ông kêu gọi tăng cường “đa dạng hóa” thông qua việc tăng cường quan hệ thương mại với các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines và các quốc gia vùng Vịnh.
Ông Šefčovič cũng nói về việc “tái cân bằng” mối quan hệ thương mại của EU với Trung Quốc Cộng sản, hiện là nước nhập khẩu hàng đầu của EU, với mức mất cân kim ngạch thương mại là 292 tỷ EUR (318 tỷ USD).
Áp dụng từ chính một số yêu cầu mà Hoa Kỳ đã đưa ra đối với EU vốn có thặng dư thương mại 197 tỷ EUR (215 tỷ USD) với Hoa Kỳ, ông Šefčovič cho biết Brussels sẽ thúc giục Bắc Kinh tăng cường tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các công ty châu Âu tại Trung Quốc và “cân bằng sân chơi cho các công ty EU tại Trung Quốc“.
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Trump vẫn kiên định với cam kết tái cân bằng thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Hoa Kỳ, ông viết trên Truth Social vào tối Chủ Nhật (6/4): “Chúng ta đang thâm hụt tài chính lớn với Trung Quốc, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là thông qua THUẾ QUAN, hiện đang mang lại hàng chục tỷ USD vào Hoa Kỳ. Chúng đã có hiệu lực và là một điều tuyệt vời để chiêm ngưỡng. Thặng dư với các quốc gia này đã tăng lên trong ‘Nhiệm kỳ’ của Joe Biden Buồn ngủ. Chúng ta sẽ đảo ngược nó, và đảo ngược nó NHANH CHÓNG. Một ngày nào đó mọi người sẽ nhận ra rằng Thuế quan đối với Hoa Kỳ là một điều rất tuyệt vời!”
Hải Đăng, theo Breitbart News
Từ khóa Donald Trump quan hệ Mỹ - EU Dòng sự kiện Ursula von der Leyen Thuế quan đối ứng
