EU đình chỉ các mức thuế trả đũa đối với Hoa Kỳ, tạo điều kiện đàm phán
- Bình Minh
- •
Hôm thứ Năm (ngày 10/4), Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đình chỉ việc thực hiện đợt áp thuế trả đũa đầu tiên đối với Hoa Kỳ trong 90 ngày, đáp trả sự thay đổi chính sách thương mại mới nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trên nền tảng mạng xã hội X rằng EU muốn tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán.
Ngay sau khi 27 nước EU chấp thuận vòng biện pháp trả đũa đầu tiên đối với thuế thép và nhôm của Mỹ, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố sẽ đình chỉ việc áp dụng “thuế quan đối ứng” (thuế quan trả đũa) đối với nhiều nước, bao gồm cả EU, trong vòng 90 ngày.
Bà Von der Leyen cảnh báo nếu kết quả đàm phán không đạt yêu cầu, EU sẽ khởi xướng các biện pháp đối phó.
Điều này nhằm cho phép các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại diễn ra. Nếu thành công, việc tăng thuế quan của EU sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn. Tất nhiên EU đã có một mạng lưới rộng lớn các loại thuế quan và các rào cản thương mại khác để bảo vệ thị trường trong nước được áp dụng trong nhiều năm.
EU hiện đang phải đối mặt với 3 mức thuế từ Hoa Kỳ: Mức thuế 25% đối với hàng xuất khẩu thép và nhôm, mức thuế 25% đối với hàng xuất khẩu ô tô và mức thuế đối đẳng 20% đối với tất cả các hàng hóa khác.
Bắt đầu từ thứ Ba tuần tới (ngày 15/4), ban đầu EU có kế hoạch áp dụng giai đoạn thuế trả đũa đầu tiên đối với hàng hóa của Hoa Kỳ trị giá khoảng 21 tỷ euro (23,2 tỷ USD), nhằm đáp trả mức thuế thép và nhôm mà Trump công bố vào tháng Ba.
Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đã bị hoãn lại. EU vẫn đang tìm cách ứng phó với động thái tiếp theo của Hoa Kỳ liên quan đến các sản phẩm ô tô và mức thuế cơ bản 10%.
Các biện pháp đối phó mà EU đề xuất sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Ngoài các sản phẩm thép và nhôm, còn có ngô, lúa mì, xe máy, gia cầm, trái cây và quần áo. Trong khi các mức thuế quan đó bị hoãn lại, các hoạt động chuẩn bị vẫn đang được tiến hành.
Trong một tuyên bố khác vào thứ Năm (10/4), bà Von der Leyen lưu ý những điều kiện rõ ràng và có thể dự đoán được là cần thiết cho hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng.
Bà nhấn mạnh rằng EU vẫn cam kết đàm phán mang tính xây dựng với Hoa Kỳ, đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác thương mại bên ngoài và tăng cường hợp tác với các quốc gia chiếm 87% thương mại toàn cầu.
Quyết định hoãn thuế quan của ông Trump đã mang lại sự nhẹ nhõm tạm thời cho các nhà lãnh đạo châu Âu và thị trường tài chính. Sự thay đổi chính sách đột ngột của ông đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trên thị trường.
Cổ phiếu Hoa Kỳ tăng vọt vào thứ Tư (9/4), thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á tiếp tục tăng vào thứ Năm (10/4) và lợi suất trái phiếu chính phủ khu vực đồng euro tăng, làm giảm kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, những nhượng bộ của ông Trump vẫn chưa toàn diện. Theo Nhà Trắng, mức thuế quan cơ bản 10% của Hoa Kỳ đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu sẽ vẫn được áp dụng. Thuế quan đối với một số ngành công nghiệp cụ thể như thép, nhôm và ô tô sẽ không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Canada và Mexico vẫn phải trả thêm 25% thuế quan liên quan đến fentanyl nếu không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa của mình theo các điều khoản của Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA).
Trong khi thể hiện thiện chí với EU, ông Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn đối với Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thứ Tư (9/4), ông tuyên bố rằng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng từ 104% lên 125%, và ký một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với ngành vận tải biển toàn cầu, cũng như thúc đẩy sự phục hồi của ngành đóng tàu Hoa Kỳ. Sau đó theo CNBC, một viên chức Nhà Trắng hôm thứ Năm (10/4) đã xác nhận rằng thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thực tế là tổng cộng 145% khi tính gộp cả mức thuế 20% liên quan đến fentanyl đã áp đặt trước đó.
Đáp lại, hôm thứ Năm (10/4), bà Hà Vịnh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết nếu Hoa Kỳ kiên quyết đối đầu, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng. Trước đây ĐCSTQ đã áp dụng mức thuế trả đũa 84% đối với hàng hóa của Mỹ.
Hiện tại, chính quyền Trump đang ưu tiên đàm phán với các đồng minh sẵn sàng hợp tác, bao gồm Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Văn phòng Đại diện Thương mại đã bắt đầu các cuộc đàm phán sơ bộ.
Mặc dù một số ngành công nghiệp châu Âu hoan nghênh những nhượng bộ của ông Trump, nhưng ngoại giới vẫn lo ngại về sự không chắc chắn trong các chính sách của ông.
Ông Nicolas Ozanam, Tổng giám đốc điều hành Liên đoàn rượu vang và rượu mạnh Pháp (FEVS), cho biết động thái này chỉ là một nửa tin tốt, vì thời hạn 90 ngày sẽ gây áp lực về hậu cần. Mức thuế cơ bản 10% vẫn được duy trì khiến việc giải quyết áp lực giá trở nên khó khăn. Điều này vẫn sẽ đẩy giá lên cao và dẫn đến mức tiêu thụ thấp hơn ở Hoa Kỳ.
Như Tổng thống Trump đã bày tỏ, những nước hành động sớm sẽ gặt hái được những phần thưởng lớn nhất từ các thỏa thuận. Các quốc gia nhanh nhẹn hơn như Anh hoặc Nhật Bản dường như sẽ đạt được thỏa thuận đầu tiên.
Mặc dù EU có thể thực sự mong muốn hợp tác với Washington trong sứ mệnh xây dựng lại thỏa thuận thương mại toàn cầu, nhưng những hạn chế cơ bản của liên minh này, như sự thiếu nhanh nhẹn, sẽ làm chậm tiến độ.
Từ khóa Thị trường châu Âu quan hệ Mỹ - EU Ursula von der Leyen
