Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo lỗ hơn 25.500 tỷ đồng (trước thuế) trong năm 2023, nguyên nhân được tập đoàn này cho biết là do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao.

evnnpc du kien mua dien tu trung quoc de giai moi lo thieu dien nam 2024
EVN báo lỗ hơn 25.000 tỷ đồng năm 2023, đề nghị điều chỉnh giá bán lẻ điện. (Ảnh: evn.vn)

Truyền thông Nhà nước trong ngày 3/7 cho biết EVN đã hoàn tất kiểm toán Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023.

Theo đó, kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023, EVN lỗ hơn 25.500 tỷ đồng (trước thuế), trong khi năm 2022 đã lỗ 18.600 tỷ đồng. Các khoản lỗ này chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá.

Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ được đại diện Tập đoàn này cho biết là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện (phát điện) tăng cao.

Theo EVN, giá nhiên liệu năm 2023, mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.

Mùa hè năm 2023, Miền Bắc Việt Nam đã phải trải qua tình trạng thiếu điện trong nhiều tuần lễ do các thuỷ điện thiếu nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều khu công nghiệp lớn. Đại diện EVN cho biết trong năm 2023, EVN đã phải tăng cường huy động nguồn nhiệt điện để bù đắp do thiếu điện. Đây lại là nguồn điện có giá mua cao, khiến chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN tăng cao và cũng là lý do mà EVN dù đã hai lần tăng giá điện trong năm 2023 (mức 3% và 4,5%), song đến nay khoản lỗ của EVN vẫn chưa thể khắc phục.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc EVN cho biết tại hội nghị tổng kết của EVN đầu năm 2024 rằng hiện nay, tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải, phân phối là 2.092,78 đồng/kWh, trong khi đó, giá bán ra là 1.950 đồng/kWh.

Nói với báo Lao động, ông Tuấn cho biết: “Mặc dù chúng tôi đang cố gắng tối ưu hoá các chi phí để tiết giảm, nhưng việc cân đối tài chính của tập đoàn hết sức khó khăn. Do vậy, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN”.

Cũng theo ông Tuấn, doanh thu bán điện toàn tập đoàn năm 2023 đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.

Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng (bằng 94,7% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng (bằng 89,4% so với cùng kỳ năm 2022).

Từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã kiến nghị điều chỉnh giá điện năm 2024 nhằm giúp EVN có nguồn để thanh toán cho các chủ đầu tư nhà máy điện, đồng thời “cõng” khoản lỗ của ông lớn điện lực này trong hai năm liên tiếp. Tuy nhiên kiến nghị trên vấp phải sự phản ứng từ người dân và giới chuyên gia.

Khánh Vy (t/h)