Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết dự kiến mục tiêu đến hết năm 2022, doanh nghiệp này sẽ báo lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm nay, EVN đã lỗ hơn 16.580 tỷ đồng.

EVN tap doan EVN dien luc EVN bao lo 636538652
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, EVN đã lỗ hơn 16.580 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: MinhHue/Shutterstock)

Thông tin từ Tập đoàn EVN cho biết tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa khi dự báo kết quả cả năm 2022 sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.

EVN cho biết tình hình giá nhiên liệu thế giới tăng ảnh hưởng lớn đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Tuy vậy, tập đoàn này cho hay vẫn bảo đảm nguồn cung điện theo kế hoạch đề ra.

Trước đó, Bộ Công thương đề xuất thay vì giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện điều chỉnh khi biến động giá đầu vào tăng từ 3% trở lên, EVN có thể tăng/giảm giá điện khi biến động đầu vào thay đổi từ 1%.

Điều này được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ khiến bảng giá điện dễ thay đổi và cần phải được kiểm soát.

Ngay sau đó, tại buổi họp báo chiều ngày 12/10, Bộ Công thương cho hay cách tính điện theo bảng giá mới đang được đề xuất “có lợi cho hộ gia đình dùng điện thấp và trung bình”.

Bên cạnh đó, thay vì 6 bậc giá như trước đây Bộ Công thương sẽ rút còn 5 bậc hoặc 4 bậc. Mức giá cao nhất cho mỗi phương án lần lượt là 3.356 đồng/kWh và 3.076 đồng/kWh (chưa VAT) với mức dùng 701 kWh trở lên trong một tháng.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng bình đẳng và ổn định thì giá điện nên được tính theo tiêu thụ đầu người, thay vì theo hộ dùng điện như Bộ Công thương đề ra, báo Vnexpress đưa tin.

Ông Thịnh nhận định các thang giá điện hiện nay dù thay đổi vẫn phải bảo đảm khoảng cách tăng hợp lý giữa các bậc, không chênh lệch quá lớn. “Tức đảm bảo bước nhảy về giá giữa các bậc thang, hạn chế tăng tiền điện vào thời điểm giao mùa, như hè nắng nóng”.

Theo Tuổi Trẻ, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng có sự khác biệt trong đề xuất sửa đổi biểu giá điện của Tập đoàn EVN và Bộ Công Thương.

Nếu như EVN tập trung vào đối tượng tiêu dùng điện phổ biến dưới 270 kWh/tháng để tăng giá thì Bộ Công Thương lại tập trung vào các hộ tiêu dùng điện ở bậc thang cao, từ 701 kWh/tháng trở lên để tăng giá.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh được công bố giữa năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận lỗ sau thuế tới hơn 16.580 tỷ đồng, dù doanh thu đạt 211.631 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo tài chính của công ty mẹ cũng ghi nhận doanh thu đạt 189.190 tỷ đồng, trong đó lỗ gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là gần 13.400 tỷ đồng và lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh sau thuế là 22.215 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Tập đoàn EVN là gần 442.480 tỷ đồng, gồm nợ ngắn hạn là hơn 152.190 tỷ đồng và nợ dài hạn khoảng 290.280 tỷ đồng, đều giảm so với đầu năm.

Tại thời điểm ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu của tập đoàn là khoảng 230.680 tỷ đồng, giảm 17.230 tỷ đồng so với đầu năm.

Tuấn Minh