FPT hoàn tất thoái vốn mảng bán lẻ và phân phối
- Chân Hồ
- •
Tập đoàn FPT đã bán 47% vốn cổ phần công ty phân phối FPT Trading cho một công ty đối tác Đài Loan. Cách đây một tháng, tập đoàn này cũng đã hoàn tất thương vụ bán 30% cổ phần của FPT Retail (đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng FPT Shop) cho Dragon Capital và VinaCapital.
Sau kế hoạch cải tổ bộ máy hoạt động và tái cấu trúc công ty theo hướng tập trung vào lĩnh vực công nghệ chuyên biệt, FPT đã rao bán mảng phân phối và bán lẻ trong hai năm qua.
Vào sáng nay (12/9), Công ty cổ phần (CTCP) FPT đã tiến hành ký thỏa thuận chuyển nhượng vốn với công ty Synnex Technology International Corp (Synnex).
Theo đó, đối tác công ty Đài Loan này sẽ mua lại 47% vốn điều lệ của FPT Trading. Trong thương vụ mà FPT Trading được định giá trên 80 triệu USD này, tập đoàn FPT sẽ nhận được 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading.
Thành lập năm 1975, Synnex là tập đoàn phân phối toàn cầu và đứng thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ. Doanh thu năm 2016 của Synnex là 33 tỷ USD.
Trước đó, vào giữa tháng 8/2017, CTCP FPT cũng đã thoái vốn thành công khỏi FPT Retail thông qua việc bán 30% cổ phần cho VinaCapital và Dragon Capital.
Theo thông tin từ trang Deal Street Asia cho hay, quỹ đầu tư VinaCapital đã chi tổng cộng 11 triệu USD để hoàn tất thương vụ này, và dự định sẽ niêm yết FPT Retail lên sàn chứng khoán vào năm 2018.
Áp lực cạnh tranh khiến FPT phải điều chỉnh chiến lược
FPT Trading kể từ thời điểm thành lập đã luôn là công ty đứng đầu về phân phối các sản phẩm công nghệ, máy tính và linh kiện điện tử. Một điều dễ hiểu bởi ngành phân phối IT lúc đó thuộc diện kiểm soát chặt của Nhà nước, và chỉ có một số ít công ty được phép kinh doanh trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, thuận theo tiến trình cải cách mở cửa nền kinh tế, các điều kiện kinh doanh cũng dần được nới lỏng, đã có nhiều công ty Việt Nam tham gia vào lĩnh vực phân phối các sản phẩm IT, trong đó có thể kể đến như Digiworld (DGW), Viễn Sơn, và công ty Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD).
Bên cạnh đó, các ông lớn trong ngành bán lẻ lại tỏ ra lấn lướt các công ty phân phối bán sĩ, mà cái tên thành công nhất phải kể đến là CTCP Thế giới di động (TGDD – mã chứng khoán MWG).
Doanh thu của TGDD tăng trưởng một cách chóng mặt trong những năm gần đây, tập đoàn này dần chiếm được quyền lực người mua lớn trong việc thương thảo với các đối tác nhà cung cấp nước ngoài.
Như trước đây, phần lớn sản phẩm của TGDD đều phải được nhập thông qua FPT Trading, thì với vị thế ngày càng được khẳng định trên thị trường, TGDD dần dần có được sức ảnh hưởng đối với các nhà cung cấp như Apple, ASUS, DELL, Intel và nhiều hãng công nghệ lớn khác trên thế giới.
Các nhà cung cấp thay vì phải dựa vào các đối tác với vai trò làm trung gian như FPT Trading thì giờ đây họ chuyển hướng chuyển hàng trực tiếp đến các công ty bán lẻ như TGDD, điều này giúp các nhà cung cấp tiết kiệm được chi phí, và mặt khác làm giảm vị thế của các nhà phân phối bán sỉ trung gian.
Đây là lý do chính đã khiến FPT bắt đầu có những bước điều chỉnh thích hợp và lên kế hoạch thoái vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail.
Trong tình thế cạnh tranh khốc liệt, FPT Tranding buộc chuyển hướng sang phân phối fulfillment (chịu trách nhiệm hoàn thành các thủ tục nhập khẩu, lưu kho và phân phối hàng hóa thay cho các đại lý) cho TGDD và các đối tác với một tỷ lệ chiết khấu nhất định được nhận từ Hãng cung cấp.
Bước đi của CTCP FPT được đánh giá là lựa chọn khôn ngoan, vừa giảm áp lực từ cạnh tranh khốc liệt, chuyển “quả cầu lửa” sang cho đối tác Synnex giàu kinh nghiệm thương trường hơn, vừa đồng thời có thể tập trung tinh lực vào định hướng mũi nhọn của tập đoàn là lĩnh vực phần mềm và lập trình.
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa Đầu tư Kinh tế Việt Nam Thị trường chứng khoán thoái vốn