Giá đất hiếm giảm, Bắc Kinh khó đe dọa phương Tây
- Bình Minh
- •
Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) từng sử dụng đất hiếm để đối phó với các nước phương Tây và coi nó như một vũ khí quan trọng. Năm 2010, khi xảy ra tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Tháng 5/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Giang Tây thị sát các mỏ đất hiếm và đặt hoa tại Tượng đài Trường chinh. Động thái này được cho là hành động cố ý sử dụng đất hiếm làm vũ khí chống lại sức ép của Hoa Kỳ. Nhưng giá đất hiếm đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, khiến mối đe dọa của loại vũ khí này cũng giảm đi đáng kể.
Kỳ thực, ngay khi Bắc Kinh bắt đầu hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Nhật Bản đã phát triển và tái chế kim loại đất hiếm trong điện thoại di động và máy tính cũ, cũng như nam châm không sử dụng kim loại đất hiếm.
Theo CNBC, các nguyên liệu thô trong đất hiếm sẽ được dùng rộng rãi trong ngành sản xuất điện thoại di động, động cơ xe hơi (gồm cả xe xăng và xe điện), pin mặt trời, thiết bị trong ngành vũ trụ, và thậm chí là cả vũ khí tân tiến.
Đồng thời, các nước phương Tây cũng đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung cấp đất hiếm ngoài Trung Quốc trên khắp thế giới. Dự kiến, trong vòng 2 – 3 năm tới, các mỏ mới sẽ được mở ở Bắc Mỹ và Úc, cũng như các nước châu Phi như Nam Phi.
Theo báo cáo của Turkiye, hãng truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 4/7 năm nay, mỏ đất hiếm với tài nguyên lên tới 694 triệu tấn đã được phát hiện ở tỉnh Eskisehir, phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, mỏ đất hiếm này chứa 17 nguyên tố đất khác nhau, được ghi nhận là khu dự trữ lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau mỏ đất hiếm với trữ lượng 800 triệu tấn của Trung Quốc.
Thị phần cung cấp đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc ban đầu vượt quá 90%, nhưng đến năm 2021, nó đã giảm xuống còn khoảng 60%. Hơn nữa các nước đang dần dần giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Từ năm 2010 – 2020, 261 công ty ở 37 quốc gia bên ngoài Trung Quốc đã khởi động tổng cộng 429 dự án đất hiếm, bổ sung thêm sản lượng 80.000 – 100.000 tấn đất hiếm.
Mặt khác, do sự phát triển chậm lại của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, nhu cầu toàn cầu về đất hiếm đã giảm xuống. Việc Trung Quốc đóng cửa do sự bùng phát virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã trực tiếp làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Từ tháng Một đến tháng Sáu năm nay, sản lượng ô tô giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung đất hiếm ngày càng tăng, nhưng nhu cầu ngày càng giảm, điều này được phản ánh trực tiếp vào giá cả. Ngày 11/8, giá nam châm neodymium giảm 18% so với đầu năm, đây là mức thấp mới trong 9 tháng; giá kim loại dysprosium cũng giảm 26% so với đầu năm, mức thấp nhất trong 19 tháng; giá praseodymium (một kim loại màu bạc mềm) và nguyên tố terbium cũng giảm. Những kim loại đất hiếm này được sử dụng để sản xuất nam châm xe hơi.
Trong hoàn cảnh đó, Trung Quốc khó có thể đe dọa các nước phương Tây bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Theo Nikkei Asia Review, căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã gia tăng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, tới Đài Loan.
Mặc dù Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, nhưng lần này không có dấu hiệu giành được lợi thế chiến lược nhờ kiểm soát các nguyên tố đất hiếm.
Một quan chức của Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản phân tích, với sự đa dạng hóa của các nhà cung cấp đất hiếm, lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không thể tạo ra tác động mạnh mẽ như năm 2010.
Greenland rút quyền khai thác, cắt đứt giấc mơ của Trung Quốc
Ngày 22/11/2021, Greenland, khu tự trị của Đan Mạch, đã thông báo thu hồi giấy phép khai thác quặng sắt của công ty Trung Quốc General Nice (Tuấn An), với lý do tập đoàn này không thanh toán số tiền phải giao nộp như đã thỏa thuận. Vì vậy trong thời gian tới, giấy phép khai thác quặng sắt sẽ được thay đổi cho các công ty khác.
Quyết định trên đã ảnh hưởng nặng nề đến Bắc Kinh. Bởi từ lâu Trung Quốc đã có dã tâm đối với “quốc gia cận Bắc Cực” này. Đây cũng là kết quả của cuộc bầu cử của Greenland vào tháng 4/2021, chặn đứng kế hoạch khai thác mỏ đất hiếm của Trung Quốc, một lần nữa khiến giấc mơ của Bắc Kinh tan biến.
Năm 2015, Tập đoàn General Nice của Trung Quốc, với sự hỗ trợ của đảng cầm quyền cũ của Greenland – “Siumut”, đã nắm quyền kiểm soát dự án quặng sắt Isua gần thủ đô Nuuk. Họ càng muốn tiến thêm một bước, kiểm soát việc khai thác mỏ đất hiếm Kuannersuit trong khu vực này.
Nhưng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4/2021, “Cộng đồng người Inuit” (NIA) đã lên nắm quyền, và bày tỏ sự ủng hộ đối với một ngành khai thác có trách nhiệm với môi trường. Chính phủ cũng cấm khai thác uranium, ngăn chặn hiệu quả việc khai thác đất hiếm ở Kuannersuit. Đây cũng là một trong những mỏ đất hiếm lớn nhất trên thế giới, một phần mỏ thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc.
Ngày nay, Tập đoàn General Nice của Trung Quốc không chỉ mất các mỏ đất hiếm, mà còn mất cả quyền khai thác quặng sắt.
Từ khóa đất hiếm Dòng sự kiện Đất hiếm Trung Quốc