Giá vàng ngày 27/9 đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong bối cảnh cuộc xung đột Israel – Hezbolla leo thang và nhiều ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất. Hưởng lợi từ đà tăng giá vàng, giá bạc cũng tăng lên mức cao nhất trong 12 năm qua.

shutterstock 1442634539 e1638163435656
Giá vàng lập đỉnh, cao nhất mọi thời đại. Ảnh minh họa: Alexander Limbach/ Shutterstock)

Giá vàng tăng kỷ lục

Đêm 26/9, giá vàng thế giới có lúc lên mức cao nhất trong lịch sử thị trường vàng – 2.685 USD/ounce trước khi giảm nhẹ còn 2.674 USD/ounce vàng sáng 27/9.

Theo giới phân tích, giá vàng tăng được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất là tình hình bất ổn trên thế giới, khi xung đột quân sự Israel – Hezbolla không ngừng leo thang, có khả năng dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện. Điều này đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Thứ hai là một số ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất trong tuần vừa qua và kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Fed sẽ còn một đợt cắt giảm nữa trong năm nay.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng vừa hạ lãi suất, công bố gói kích thích tiền tệ lớn lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19 nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Động thái này của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, có thể khiến bức tranh kinh tế thế giới không mấy sáng sủa.

Điều này khiến nhiều tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương tăng sức mua vàng để phòng rủi ro nếu kinh tế thế giới suy yếu.

Các nhà phân tích dự báo giá vàng còn tiếp tục tăng và có khả năng đạt mốc 2.700 USD/ounce vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Giá vàng nhẫn lần đầu vượt vàng miếng

Sáng 27/9, giá vàng nhẫn trơn tiếp tục được các nhà vàng điều chỉnh lên mức kỷ lục mới sau chuỗi ngày tăng liên tục, thậm chí, lần đầu tiên giá vàng nhẫn trơn cao hơn giá vàng miếng SJC vài trăm đến 1 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá mua vào 81,5 triệu đồng (tăng 200.000 đồng), bán ra 83 triệu đồng (tăng 300.000 đồng).

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết 82,75 – 83,35 triệu; Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là 82,1 – 83,2 triệu, còn Bảo Tín Minh Châu 82,4 – 83,3 triệu đồng, tăng vài trăm nghìn đồng cả chiều mua vào – bán ra.

Giá nhẫn trơn tăng theo diễn biến của thị trường vàng thế giới, trong khi giá vàng miếng thường được điều chỉnh chậm hơn. Sáng 27/9, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thay đổi giá bán can thiệp, các thương hiệu giữ nguyên giá bán vàng miếng ra thị trường là 83,5 triệu đồng một lượng. Tại SJC, chiều mua vào được đơn vị này giữ nguyên 81,5 triệu đồng.

Với mức giá này, giá mua vào vàng nhẫn trơn đã bằng hoặc cao hơn 500.000 đến trên 1 triệu đồng mỗi lượng so với vàng miếng. Ở chiều bán ra, giá vàng nhẫn cũng cao xấp xỉ vàng miếng SJC.

Xét về tỷ suất sinh lời từ đầu năm tới nay, nhẫn trơn có mức sinh lời trên 31%, mỗi lượng nhẫn trơn đã tăng hơn 20 triệu đồng. Trong khi đó, vàng miếng chỉ tăng khoảng 13%.

Giá bạc lên mức cao nhất trong gần 12 năm

Sáng ngày 27/9 theo giờ Việt Nam, giá bạc giao ngay tăng 0,6% lên 32,03 USD/ounce, cao nhất trong gần 12 năm qua. Mức cao kỷ lục của giá bạc lập từ tháng 12/2012 là 32,71 USD/ounce.

Giá bạc tăng nhờ được hưởng lợi từ giá vàng tăng và theo nhận định của giới chuyên gia, giá bạc sẽ còn tiếp tục tăng trong những quý tới, có thể hướng tới mốc 37 USD/ounce.

Bạc vừa là kênh đầu tư trú ẩn an toàn vừa là nguyên liệu quan trọng trong các ứng dụng công nghiệp, được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm quang điện như tấm pin Mặt Trời. Kim loại này đã tăng hơn 35% giá trị từ đầu năm đến nay.

Chuyên gia tại WisdomTree phân tích, một trong những chất xúc tác chính cho đà tăng của bạc là vàng do mối tương quan chặt chẽ giữa hai kim loại này. Tỷ lệ vàng/bạc đã giảm xuống do đà tăng của bạc, hiện ở mức khoảng 82. Tỷ lệ này đo lường số ounce bạc cần thiết để mua một ounce vàng, cho thấy giá trị của bạc so với vàng.

Phan Vũ (t/h)