Thay thế xăng A92 bằng E5: Gỡ khó cho các nhà máy nhiên liệu sinh học?
- tâm sáng
- •
Hiện nay đang có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc xăng sinh học E5 thay thế xăng khoáng Ron92, dần tiến tới sẽ chỉ bán xăng E5, sẽ không còn xăng khoáng Ron92 trên thị trường. Dư luận cho đây là giải pháp “phi” thị trường để gỡ khó cho các nhà máy Ethanol.
Mới đây, Quốc Hội đã nghe 5 dự án thua lỗ án lớn đầu tư hơn 32.000 tỷ theo báo cáo của Bộ Công thương, trong đó có Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất đầu tư 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động.
Khi thời kỳ hoàng kim của giá dầu trên 140 USD/thùng thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại 3 miền gồm: Nhà máy nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Khu kinh tế Dung Quất và tại Bình Phước. Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, một phần vốn doanh nghiệp và vay ngân hàng.
Những dự án này đầu tư đúng vào thời điểm giá dầu bắt đầu đi xuống, hầu hết là sử dụng công nghệ Trung Quốc, giá thành cao, trong bối cảnh không được thị trường chấp nhận, nên nhiều nhà máy Ethanol đang rất khó khăn, báo chí nói là xây xong để “đắp chiếu”. Sơ qua vài nét về 3 dự án này như sau:
Nhà máy Ethanol Bình Phước
Tổng vốn đầu tư khoảng 81 triệu USD, khi phê duyệt là 1.492,65 tỷ đồng nhưng vốn thực tế lên 1.742,76 tỷ đồng, công suất thiết kế hơn 100 triệu lít ethanol/năm. Trong đó, 30% là vốn góp các cổ đông (Itochu chiếm 49% vốn đầu tư, PV Oil chiếm 29% và Licogi 16 chiếm 22%) 70% là vay tín dụng. Lễ khởi công diễn ra hoành tráng năm 2010, hoàn thành 2012.
Dự án được chính quyền và người dân Bình Phước kỳ vọng nhiều vì sẽ tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô (khoai mì)/năm, sẽ là cơ hội cho hàng trăm ngàn hộ dân Bình Phước và các tỉnh Nam Tây Nguyên, vốn hàng chục năm nay trồng khoai mì mà không có nơi tiêu thụ ổn định.
Tuy nhiên, thực tế lại không như mong muốn, năm 2012 công trình khánh thành, đưa vào chạy thử, nhưng không tiêu thụ được sản phẩm do dự án được lập khi xăng khoáng đang ở mức 140USD/thùng, nhưng giờ chỉ còn xấp xỉ 50USD/thùng, vì thế xăng sinh học khó có giá thành thấp hơn xăng khoáng, nên phải dừng vì càng sản xuất càng lỗ, hiện nay nhà máy đang lỗ hàng chục tỷ mỗi năm vì phải trông nom, bảo quản và trả lãi vay ngân hàng. Nhà đầu tư Nhật Itochu chiếm 49% vốn đang rao bán lại thành 34% nhưng không có ai mua. Cả phía doanh nghiệp và ngân hàng đều đang trong tình thế khó giải quyết.
Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi
Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất được khởi công từ tháng 9/2009 với tổng vốn đầu tư 2.219 tỷ đồng, có công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol mỗi năm, do các đơn vị thành viên của PVN đầu tư.
Kỳ vọng là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng khoáng, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường và góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng sắn, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) cùng các ngân hàng BIDV, VCB, Ocean Bank và Liên Việt Bank cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá gần 1000 tỷ đồng để triển khai xây dựng dự án.
Đươc vận hành thử đầu năm 2014, nhưng nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đến tháng 5/2016 buộc phải dừng sản xuất vì xăng E5 khó tiêu thụ, sẽ dẫn đến thua lỗ nếu cứ tiếp tục sản xuất ethanol.
Nhà máy Ethanol Phú Thọ
Tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD, nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) đã điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tăng thêm hơn 14,3 triệu USD từ 1.317,5 tỷ đồng lên thành 2.484,9 tỷ đồng.
Đây là dự án được khởi công sớm nhất nhưng đến nay chưa hoàn thành, nhà thầu PVC đã dừng thi công dự án gây hậu quả nghiêm trọng khiến toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt đã bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa phát huy, tăng chi phí vốn vay và các chi phí khác, việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy cũng bị ngừng trệ.
Có nên thay thế xăng A92 bằng E5 vào tháng 6/2017?
Tiến tới sẽ chỉ bán xăng E5 và dự kiến vào tháng 6/2017 sẽ không còn xăng khoáng Ron 92 trên thị trường. Quyết định hành chính này phải chăng là cách tốt để cứu các nhà máy nói trên đang là câu hỏi dư luận quan tâm.
Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc sử dụng xăng E5 là một chủ trương của nhà nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, là định hướng rất tốt, tuy nhiên, chất lượng xăng E5 của Việt Nam chưa thực sự đảm bảo, trong khi người dân đang sử dụng loại xăng vẫn là mặt hàng thông thường trên thế giới.
Thông tin từ các nhà máy cho thấy giá thành sản xuất xăng sinh học E5 của VN quá cao do giá nguyên liệu cao, năng suất thấp cùng với công nghệ lạc hậu. Trong số các nhà máy sản xuất E5 hiện chỉ còn 2 nhà máy hoạt động, hầu hết các nhà máy khác ngưng sản xuất vì lỗ đến 3.000 đồng/lít nên không thể cạnh tranh với sản phẩm khác trên thị trường.
Nên để thị trường cạnh tranh lành mạnh
Tóm lại, khi các nhà máy ethanol Việt Nam đang phải hấp hối do sử dụng công nghệ Trung Quốc nên chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo, sản phẩm đã lạc hậu với thế giới, giá thành cao trong khi thị trường dầu mỏ xuống giá đang là một thách thức.
Theo các chuyên gia, nên để thị trường cạnh tranh khách quan lành mạnh, không nên bao cấp theo kiểu ép dừng bán Ron 92, chỉ bán E5, tạo thành thói quen ỉ lại vào bao cấp. Chỉ khi đó các nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học sẽ phải hoạt động đúng nguyên tắc thị trường, sẽ cải tiến, tự tiết giảm chi phí để hạ giá thành đảm bảo cạnh tranh được trên thị trường, được thị trường chấp nhận.
Tâm Sáng
Xem thêm:
Từ khóa bảo hộ độc quyền xăng E5 nhiên liệu hóa thạch giá xăng dầu