Tại phần hỏi đáp diễn ra chiều ngày 17/10 phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án dân sự Vinasun kiện Grab, đại diện Grab khẳng định hợp tác xã vận tải là đơn vị quyết định giá cước vận tải trên mỗi chuyến xe Grab.

phien toa Vinasun kien Grab
Đại diện phía Grab tại phiên tòa hôm 17/10. (Ảnh: Gia Minh)

Ai quyết định giá cước là mấu chốt quan trọng của vụ án

Quyết định giá cước là một công đoạn quan trọng trong quá trình kinh doanh dịch vụ vận tải. Theo đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Grab chỉ đóng vai trò phần mềm kết nối hành khách với các đơn vị kinh doanh vận tải ô tô (hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải). Sau đó, hai bên thuê vận tải và đơn vị vận tải sẽ đàm phán, giao kết hợp đồng vận tải, trong đó quyết định giá cước là một công đoạn quan trọng. Nếu không được quyết định giá cước thì hợp tác xã vận tải chỉ là thầu phụ trong chuỗi cung ứng vận tải Grab, chứ không thể là chủ thể giao kết hợp đồng vận tải như quy định trong đề án 24.

Chính vì vậy, việc xác định ai là người quyết định giá cước trong chuỗi cung ứng vận tải Grab là một mấu chốt quan trọng của vụ án dân sự Vinasun đòi Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Giá cước cao, thấp thay đổi do ai quyết định?

Chỉ cần lựa chọn điểm đi – điểm đến, ứng dụng Grab sẽ hiển thị giá cước cho toàn bộ chuyến đi. Làm thế nào để hợp tác xã can thiệp vào hệ thống phần mềm của Grab trong vòng vài giây sau khi khách hàng lựa chọn lộ trình? Tại sao chưa chọn hợp tác xã đã hiển thị được giá cước? Nguyên tắc tính cước phí cho lộ trình như thế nào?

Bên cạnh đó, hệ thống tính cước của phần mềm Grab không đơn thuần tính cước trên nguyên tắc cước phí nhân với quãng đường. Cước phí cho cùng một lộ trình có thể khác nhau cho mỗi thời điểm khác nhau, các khách hàng khác nhau. Có những lúc, giá cước rất rẻ chỉ vài ngàn đồng/km, nhưng cũng có lúc lên tới 50 ngàn đồng/km. Người tiêu dùng thậm chí cũng không thể biết được mức cước phí/km là bao nhiêu, chỉ biết được tổng số tiền phải trả cho cả quãng đường vận chuyển.

Grab, Hợp tác xã vận tải hay tài xế là người định ra giá cước?

Tại phiên toà ngày 17/10, đại diện phía Grab tiếp tục khẳng định đơn vị này không quyết định giá cước. Giá cước là do các hợp tác xã quyết định.

Tuy nhiên, sau đó, ông Lim Yen Hock – Tổng giám đốc Grab lại bổ sung, Grab và một số hợp tác xã lớn đã cùng bàn bạc đưa ra mức giá cước cơ sở, sau đó thông báo tới các hợp tác xã còn lại để áp dụng. Các hợp tác xã phải chấp nhận mức giá cước do Grab và một số hợp tác xã lớn quyết định. Chấp nhận thì tham gia, không chấp nhận thì không tham gia.

Trong khi đó, khi được hỏi về ai là người quyết định giá cước, nhiều hợp tác xã vận tải khẳng định: “Grab chính là đơn vị đưa ra giá cước”. Các hợp tác xã vận tải thậm chí còn không được hưởng bất cứ doanh thu, lợi nhuận gì từ việc hợp tác kinh doanh với Grab. Các hợp tác xã chỉ hưởng lợi từ phí thành viên thu được của các xã viên.

Hệ quả pháp lý nếu xác định được Grab quyết định giá cước

Tại phiên toà lần thứ 4 này, nếu có đủ bằng chứng chứng minh Grab là đơn vị quyết định giá cước, thì đơn vị này chính là chủ thể của chuỗi cung ứng vận tải Grab. Khi đó, Grab sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với toàn bộ quá trình vận tải và hoạt động của các thành viên tham gia chuỗi cung ứng (bao gồm tính mạng, tài sản hành khách, nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ với người lao động…)

Phiên toà Vinasun kiện Grab còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dự kiến sẽ kéo dài 2-3 ngày.

Tuệ San

Xem thêm: