Mở lại phiên xét xử lần 4 vụ Vinasun kiện Grab
- Tuệ San
- •
TAND TP.HCM vừa mở lại phiên toà xét xử vụ án dân sự Vinasun đòi Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vào ngày 17/10.
Sáng nay (17/10), nhiều tài xế taxi tập trung tại Toà án TP.HCM để xem phiên toà xét xử công khai vụ án dân sự Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia, cơ quan quản lý cạnh tranh tăng cường siết chặt hoạt động của Grab, toà án nhiều thành phố trên thế giới cũng nhận được đơn khởi kiện Uber (mô hình tương tự Grab) từ phía các hiệp hội taxi – cho rằng hoạt động của các hãng công nghệ này chính là hoạt động taxi trá hình, gây tổn hại đến ngành công nghiệp taxi, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong ngành.
Tại TP.HCM, phiên toà xét xử phiên toà xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam – đơn vị sở hữu taxi Vinasun (gọi tắt là Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (gọi tắt là GrabTaxi) mở lại vào lúc 08 giờ 00 tại trụ sở TAND TP.HCM.
Được biết, đây là phiên xét xử lần thứ 4 của Phiên toà sơ thẩm, sau một lần tạm ngừng ngày 7/2/2018; một lần tạm đình chỉ vào ngày 7/3 và một lần hoãn phiên toà gần nhất ngày 24/9.
Lý do Vinasun khởi kiện Grab
Trong đơn khởi kiện, Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng” (gọi tắt là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi và làm tổn hại trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của Vinasun, khiến nhiều người lao động mất việc làm.
Vinasun yêu cầu buộc GrabTaxi bồi thường thiệt hại cho Vinasun số tiền thiệt hại lợi nhuận là 41.218.896.128 đồng. Đơn vị taxi này cho rằng cơ sở khởi kiện hoàn toàn có căn cứ vì đã chứng minh được hành vi trái pháp luật của GrabTaxi, thiệt hại của Vinasun và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của GrabTaxi với thiệt hại của Vinasun.
Vinasun cho biết từ hoạt động vi phạm pháp luật của GrabTaxi đã gây thiệt hại không chỉ với Vinasun mà còn gây nhiều hệ luỵ tiêu cực đến xã hội. Việc Vinasun đứng tên khởi kiện là hành động tích cực nhất để bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp chân chính trong nước trước những tham vọng chiếm lĩnh thị trường của những doanh nghiệp nước ngoài, bắt đầu từ việc dùng biện pháp tài chính để chinh phục thị trường, từng bước gây ảnh hưởng đến các cơ quan quản lý nhà nước và lợi dụng sơ hở của pháp luật để thao túng thị trường.
Bên cạnh đó, Vinasun cho rằng việc khởi kiện GrabTaxi không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi của mình mà mong muốn dùng quyết định của Toà án để đem lại môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài của đất nước và lợi ích thật sự của người tiêu dùng.
Trước đơn khởi kiện của Vinasun, Grab nói gì?
Gặp gỡ báo chí một ngày trước khi phiên toà diễn ra, đại diện Grab cho biết đơn vị này không đồng tình với việc Toà án đưa vụ việc ra xét xử, bởi lẽ đây không thuộc thẩm quyền của Toà án. Việc xác định GrabTaxi có sai phạm hay không phải do Bộ GTVT – đơn vị chủ trì đề án 24 quyết định.
GrabTaxi cũng khẳng định mình là đơn vị cung cấp phần mềm nên không chịu trách nhiệm về hoạt động của các đối tác như hợp tác xã vận tải. Việc sai phạm của hợp tác xã vận tải cần phải tách riêng biệt với đơn vị cung cấp phần mềm.
Bên cạnh đó, Grab là đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, nên nếu Toà án xử Vinasun thắng kiện sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Diễn biến các phiên toà xét xử trước đó
Xét xử lần 1 (6-7/2/2018)
Ngày 6/2, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ kiện. Ngày 7/2, sau khi hội ý, xét thấy cần thu thập bổ sung, tài liệu Hội đồng xét xử TAND TP.HCM quyết định tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ.
Tại phần xét hỏi, tranh tụng tại phiên toà, Luật sư của Vinasun đã đưa ra các chứng cứ cáo buộc GrabTaxi đang tham gia thị trường vận tải taxi, thực hành các công đoạn như một công ty cung cấp dịch vụ vận tải taxi (nhận yêu cầu từ khách hàng, điều xe, định giá cước, thu tiền, xuất hoá đơn, khuyến mãi, hỗ trợ, thưởng phạt tài xế). Các đối tác của GrabTaxi (hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải) chỉ đóng vai trò “bình phong”.
Trả lời tại phiên toà, ban đầu, GrabTaxi khẳng định rằng mình không xác định giá cước. Giá cước là do các hợp tác xã định ra. Tuy nhiên, khi Chủ toạ phiên toà hỏi làm sao hợp tác xã trong vòng vài giây có thể xác định được giá cước, thì đơn vị này lúng túng không thể trả lời.
Grab cũng không thể đưa ra được hợp đồng điện tử giao kết giữa khách hàng và đơn vị vận tải như quy định trong mô hình vận tải hợp đồng của đề án 24.
Xét xử lần 2 (7/3/2018)
Ngày 07/03, khi triệu tập lại phiên toà, TAND TP.HCM lại tiếp tục ra quyết định số 132/2018/QĐST-KDTM về việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Vinasun và Grab.
Quyết định của TAND TP.HCM khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án là để thu thập thêm thông tin từ Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM và Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM.
Tại hành lang phiên toà, chia sẻ với báo chí, đại diện GrabTaxi cho biết đã bổ sung thêm tính năng gửi hoá đơn về cho email khách hàng sau mỗi chuyến đi. Đơn vị này cho rằng đây là hợp đồng điện tử theo đề án 24. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng hoá đơn cấp sau chuyến đi không thể coi là hợp đồng vận tải điện tử, vì hợp đồng phải ký kết trước chuyến đi và cấu thành hoá đơn cũng không đủ các thông tin tối thiểu của hợp đồng theo pháp luật quy định.
Xét xử lần thứ ba (24/9/2018)
Ngày 24/9, khi triệu tập lại phiên toà, căn cứ vào đơn xin vắng mặt tại phiên toà của Grab, TAND TP.HCM quyết định hoãn phiên toà xét xử đến ngày hôm nay (17/10).
Chuyển động của Luật pháp trong và ngoài nước về lĩnh vực gọi xe qua mạng: Tại Singapore, nơi loại hình taxi được sử dụng rất phổ biến, Chính phủ đã thông qua Luật Cung cấp dịch vụ gọi taxi qua bên thứ 3. Theo đó, tài xế Uber và Grab cần vượt qua bài kiểm tra kiến thức, kỹ năng và sức khỏe để được cấp chứng chỉ hành nghề, phải có bảo hiểm cho hành khách… Mới đây nhất, Cơ quan giám sát cạnh tranh của Singapore cũng đã quyết định phạt Grab và Uber 13 triệu đô la Singapore (9,5 triệu USD) do thương vụ sáp nhập của 2 công ty này “đã làm giảm đáng kể sự cạnh tranh trên thị trường”. Trong khi đó, tại Đài Loan, hoạt động của Uber phải buộc tạm đình chỉ vào tháng 2/2017 do ảnh hưởng từ những hạn chế khắt khe của chính quyền nước sở tại. Có thể thấy rằng, câu chuyện quản lý hoạt động của Uber, Grab là vấn đề không của riêng quốc gia nào. Dù là cấm hay quản, có một thực tế không thể phủ nhận rằng, Internet và sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng trên nền tảng công nghệ đang len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống. Xu hướng nâng cao giám sát hoạt động của Uber, Grab, chuẩn hoá đầu vào tài xế, phương tiện, dịch vụ đang là hướng đi Chính phủ nhiều nước đang làm để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. |
Tuệ San
Xem thêm:
Từ khóa Vinasun Vinasun kiện grab Grab Grabtaxi