Hạ lãi suất có khiến bong bóng tín dụng ở Việt Nam trở nên nghiêm trọng?
- Nguyên Hương
- •
Theo Frontera, Chính phủ Việt nam đang thực hiện nhiều can thiệp kinh tế để đánh đổi lấy mục tiêu tăng trưởng 6,7%, trong đó, động thái giảm lãi suất điều hành đầu tháng 7 vừa qua là một trong những biện pháp đưa ra. Biện pháp kích thích này liệu có khiến tình trạng bong bóng tín dụng trở nên nghiêm trọng?
Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm đồng loạt lãi suất điều hành
Ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gây sốc thị trường bằng việc bất ngờ công bố giảm đồng loạt lãi suất điều hành. Cụ thể, với mức giảm 0,25% lãi suất tái cấp vốn; lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Còn lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 0,5%/năm.
Mặt bằng lãi suất điều hành cho vay sau khi thay đổi dao động từ 6,25% – 7,5% tùy loại.
>> Tín phiếu NHNN: 37.000 tỷ đồng và khoản lãi suất phải trả hai lần
Kích thích tăng trưởng tín dụng trong tình trạng mức nợ xấu cao. Liệu có mạo hiểm?
Ngay từ đầu năm, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt mức 18%/năm. Đến ngày 30/6, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tăng trưởng tín dụng nửa năm đầu đã đạt 9,06%, đây là mức cao nhất trong 6 năm qua.
Trong suốt gần 18 tháng qua kể từ năm 2016, mặc dù lạm phát cao nhưng NHNN đã duy trì lãi suất điều hành luôn ở mức ổn định. Do vậy, việc giảm lãi suất lần này có vẻ khá hợp lý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống Ngân hàng đang ôm một khối nợ xấu khổng lồ (khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 10% dư nợ tín dụng) và mức tăng trưởng tín dụng đang ở mức cao thì biện pháp giảm lãi suất, kích thích thêm tín dụng lại có thể khiến bong bóng tín dụng càng phình to.
Cũng trong tuần cuối tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã hối thúc các Bộ, Ngành sớm thực hiện Nghị quyết xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội phê duyệt. Với các cơ chế đặc thù, Nghị quyết xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát 3% trong vòng 5 năm tới. Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Từ khóa Tín dụng Chính sách kinh tế bóng bóng tiền tệ khủng hoảng tài chính khủng hoảng kinh tế lãi suất