Năm 2016: Dòng kiều hối tụt giảm mạnh, dự báo 2017 còn khó khăn hơn
- Chân Hồ
- •
Theo báo cáo Dòng kiều hối quốc tế của Pew Research Center, năm 2015 có tổng cộng 13,2 tỷ USD kiều hối đổ về Việt Nam. Đến năm 2016, con số này giảm còn 9 tỷ USD (giảm 31,8%), và số lượng kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 vẫn chưa được công bố mặc dù đã là thời điểm cuối tháng 7, chỉ có thông tin TP.HCM tiếp nhận được 2,1 tỷ USD.
Trong khi đó khu vực này thường chiếm khoảng 58% tổng lượng kiều hối hàng năm, như vậy có thể dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng 3,6 tỷ USD.
Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với năm 2016.
Điều này gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng lên nền kinh tế trong bối cảnh nợ công tăng cao (hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tương đương 115,6 tỷ USD, chiếm gần 65% GDP), nhập siêu 6 tháng đầu 2017 hơn 2,7 tỷ USD.
Trong đó Mỹ, Úc, Canada là top 3 nước mà Việt Nam có dòng kiều hối gởi về nhiều nhất.
Việt Nam xếp thứ 5 trong số những quốc gia có lượng kiều hối gửi về từ Mỹ nhiều nhất.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đã bị rớt khỏi top 10 quốc gia có kiều hối về nước nhiều nhất, xếp thứ 11 vào năm 2015, và tụt giảm hơn nữa vào năm 2016 và 2017 do lượng kiều hối bị chững lại.
Dòng kiều hối từ Mỹ vào Việt Nam đứng thứ 9 (với 7 tỷ USD) trong Top 10 dòng kiều hối lớn nhất thế giới, cho thấy Mỹ là quốc gia đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Dòng kiều hối từ Mỹ – Mexico và từ Mỹ – Trung Quốc lần lượt xếp thứ nhất và thứ nhì.
Về xuất khẩu lao động, Việt Nam có hơn 500.000 lao động tốt nghiệp cấp 3 trở lên đang làm việc tại nước ngoài (số liệu thống kê năm 2010/11), xếp thứ 14 trong Top những nước có số lượng lao động xuất khẩu lớn nhất. Đứng đầu trong nhóm này lần lượt là Ấn Độ (2,2 triệu người), Philippines (1,53 triệu người) và Trung Quốc (1,50 triệu người).
>> Lao động xuất khẩu của Việt Nam đang ở đâu so với các nước? (Infographic)
Theo kế hoạch, kể từ tháng 7/2017, World Bank sẽ chấm dứt cho Việt Nam vay ODA, cộng thêm tác động từ sự sụt giảm nghiêm trọng dòng kiều hối từ lao động ở nước ngoài trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhập siêu không có dấu hiệu thuyên giảm sẽ gây áp lực không hề nhỏ lên tổng thể nền kinh tế.
Chân Hồ (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa xuất khẩu lao động kiều hối tỷ giá ngoại tệ khủng hoảng kinh tế