Hãng thời trang Mango rút vốn khỏi Trung Quốc, chuyển hướng sang Mỹ
- Bình Minh
- •
“Chúng tôi đang rút khỏi Trung Quốc. Chúng tôi thấy không hấp dẫn, và quyết định đây không phải là ưu tiên trong 3 năm tới”, ông Toni Ruiz, giám đốc điều hành của nhà bán lẻ thời trang Tây Ban Nha Mango, nói với Reuters. Mango đang trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ.
Sau 2 lần thất bại trước đó, Mango đang quay trở lại Mỹ, cung cấp quần áo giá cao cho những dịp đặc biệt và tiệc tùng. Nhà mốt này nhắm mục tiêu đến các tiểu bang nơi doanh số bán hàng trực tuyến đã khá mạnh.
Ông Ruiz nói với Reuters rằng thương hiệu của họ đã được công nhận nhiều hơn tại Hoa Kỳ. Nữ diễn viên Amber Valletta đã mặc trang phục của Mango tại bữa tiệc hậu Oscar vào Chủ nhật tuần trước (12/3). “Một số thứ đã thay đổi. Bây giờ họ có nhận thức khác, tốt hơn về các thương hiệu châu Âu”.
Việc nối lại hoạt động kinh doanh của Mango tại Hoa Kỳ bắt đầu từ tháng 5/2022. Công ty sẽ mở một cửa hàng đầu trên Đại lộ số 5 ở New York, sau đó mở rộng đến Florida. Năm nay hãng sẽ mở các cửa hàng tại bang Texas, Georgia và California.
Công ty hy vọng sẽ có 40 cửa hàng truyền thống ở Hoa Kỳ vào năm 2024, tăng so với 10 cửa hàng hiện tại. Điều này sẽ khiến Mỹ trở thành thị trường hàng đầu thế giới.
Mango cho biết việc mở rộng một trung tâm thực hiện đơn hàng ở Cataloni, Tây Ban Nha sẽ hỗ trợ sự phát triển của hoạt động kinh doanh toàn cầu. Điều này cho phép công ty vận chuyển 160 triệu mặt hàng mỗi năm. Họ phục vụ khách hàng tại các cửa hàng truyền thống và trực tuyến trên khắp thế giới.
Sự mở rộng của Mango ở Mỹ hoàn toàn trái ngược với việc đóng cửa hoạt động ở Trung Quốc. Mango đã đóng cửa 2 cửa hàng còn lại ở Trung Quốc vào năm ngoái. Họ duy trì 4 cửa hàng nhượng quyền và bán hàng trực tuyến thông qua nền tảng thương mại điện tử Tmall của Alibaba.
Doanh số bán hàng của Mango đạt kỷ lục vào năm ngoái, khi công ty bán được nhiều mặt hàng có giá cao hơn. Đối thủ lớn nhất của của công ty là Zara thuộc sở hữu của Inditex, dự kiến sẽ báo cáo doanh số bán hàng kỷ lục vào thứ Tư (15/3), một phần là do hoạt động mở rộng mạnh mẽ của hãng tại Mỹ.
Ông Ruiz cho biết, gần đây các thương hiệu thời trang nhanh của Trung Quốc là Shein và Temu đã tích cực thâm nhập vào cùng một thị trường, nhưng điều này không gây ra mối đe dọa nào cho Mango.
Ông nói: “Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi. Nếu chiến đấu với những thương hiệu này, bạn sẽ phải tiếp tục hạ giá”.
Gần đây, những tên tuổi lớn như Dr Martens đã cắt giảm, hoặc phát tín hiệu muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc khu vực Đông Nam Á. “Thông điệp lớn ở đây là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Không ai muốn bỏ hết trứng vào một chiếc giỏ”, CEO Kenny Wilson của Dr Martens phát biểu hồi tháng 11/2022.
Sự dịch chuyển này được thúc đẩy bởi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài kể từ khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu – nhân tố đẩy chi phí vận chuyển tăng cao.
Một cân nhắc ngày càng quan trọng đối với các nhà bán lẻ, là khả năng truy xuất trong chuỗi cung ứng sau nhiều năm có những nghi vấn về lạm dụng người lao động. Do các quy định của Mỹ chống lại bông có nguồn gốc từ Tân Cương, châu Âu cũng đang đưa ra luật mới về lao động cưỡng bức, điều này đã đặt ra áp lực lớn hơn lên ngành thời trang.
Từ khóa Thị trường Trung Quốc Mango