Ba thương hiệu chị em Bershka, Pull & Bear và Stradivarius của thương hiệu thời trang nhanh hàng đầu thế giới ZARA, bất ngờ thông báo trên nền tảng thương mại điện tử rằng họ sẽ chính thức kết thúc hoạt động các cửa hàng trực tuyến tại Trung Quốc Đại Lục vào ngày 31/7.

cửa hàng Zara
(Ảnh: Shutterstock)

Inditex, công ty mẹ của thương hiệu Tây Ban Nha ZARA, sở hữu khá nhiều thương hiệu, trong đó 3 thương hiệu Bershka, Pull & Bear và Stradivarius đã đưa ra thông báo khuyến mãi đóng cửa tại cửa hàng thương mại điện tử hàng đầu ở Đại Lục và trang chủ đều đăng “Cửa hàng sẽ ngừng bán hàng loạt sản phẩm của thương hiệu“, hoạt động chính thức kết thúc vào ngày 31/7. Tin tức này đã gây chú ý sau khi được tiết lộ.

Điều đáng chú ý là 3 thương hiệu này hiện không có cửa hàng thực thể nào ở Đại Lục, và hiện các cửa hàng thương mại điện tử đã thông báo đóng cửa, tương đương với việc rút khỏi thị trường Trung Quốc Đại Lục trên diện rộng.

Bộ phận chăm sóc khách hàng của 3 thương hiệu xác nhận rằng hiện tại, Bershka, Pull & Bear và Stradivarius không có cửa hàng thực thể ở Trung Quốc Đại Lục. Hiện tại, Inditex chỉ giữ lại hoạt động của thương hiệu Zara, thương hiệu trung cấp Massimo Dutti, thương hiệu đồ lót Oysho và thương hiệu nội thất Zara Home tại các trung tâm mua sắm ngoại tuyến tại Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa là với việc đóng cửa kênh bán trực tuyến của 3 thương hiệu trên tại Đại Lục, họ cũng sẽ rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc.

p3180221a121583788 ss
Ba thương hiệu chị em của ZARA đã đăng thông báo sẽ đóng cửa các cửa hàng trực tuyến chính thức của họ tại Trung Quốc Đại Lục. (Nguồn ảnh: Weibo)

Trang chủ của cửa hàng Bershka mới đây đã đăng thông báo sắp đóng cửa. “Khách hàng thân mến, kể từ ngày 31/7/2022, cửa hàng chính thức của Bershka trên Tmall sẽ ngừng bán loạt sản phẩm của thương hiệu này.” Ngoài Bershka, Pull & Bear và Stradivarius, thuộc sở hữu của Inditex, cùng công ty mẹ với thương hiệu thời trang cao cấp Zara, cũng sẽ đồng bộ ngừng hoạt động.

Theo dữ liệu thương hiệu, cửa hàng chủ lực Tmall của 3 thương hiệu đã đăng thông báo đóng cửa trên trang chủ rằng “Từ ngày 31/7/2022, cửa hàng sẽ ngừng bán loạt sản phẩm của thương hiệu này”. Cửa hàng đang có các chương trình giảm giá, khuyến mãi và các sản phẩm đang bán cũng không còn nhiều. 

Theo trang web chính thức của mình, Stradivarius tập trung vào các sản phẩm quần áo nữ, trong khi Bershka và Pull & Bear có cả quần áo nam và nữ. Cả 3 thương hiệu này đều tập trung vào giới trẻ, hầu hết giá quần áo đều dưới 1.000 nhân dân tệ, áo sơ mi và váy bình dân giá trung bình khoảng 100 đến 400 tệ.

Zara, một thương hiệu quần áo quốc tế nổi tiếng, là sự lựa chọn tiêu dùng của nhiều người hiện đại, yêu thích ăn diện và yêu thời trang. Số lượng cửa hàng của 3 thương hiệu thuộc Zara tại các thành phố lớn ở Trung Quốc Đại Lục đã lên tới gần 200 cửa hàng trong thời kỳ cao điểm trước đây.

Sau khi thông tin 3 thương hiệu của tập đoàn ZARA rút lui hoàn toàn khỏi Đại Lục được đưa ra, cư dân mạng Weibo bày tỏ sự đáng tiếc, họ để lại những bình luận: “tất cả đều trở thành nước mắt thời đại”; “những thứ yêu thích đang dần biến mất”; “Không có gì để mua sắm trong tương lai”; “Nước mắt của thời đại”; “Đôi giày cũ cổ điển của Bershka thực sự rất đẹp, mặc dù chất lượng đáng lo ngại”; “Quần áo của tôi hầu như đều là những nhãn hiệu này, bởi vì tôi tương đối gầy, quần áo của họ có size phù hợp với tôi, và chúng không đắt. Tôi thực sự muốn khóc, sau này mua quần áo của thương hiệu này ở đâu?”…

Vào ngày 29/6, cửa hàng của thương hiệu thời trang H&M tại số 651 đường Hoài Hải, một con phố thương mại truyền thống ở Thượng Hải, đã lặng lẽ đóng cửa. Cửa hàng này là cửa hàng đầu tiên của thương hiệu H&M mở tại thị trường Trung Quốc Đại Lục và đã kinh doanh được 15 năm.

Thương hiệu thời trang giá cả phải chăng của Thụy Điển H&M, bán chạy trên thị trường quốc tế, đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp sau khi tuyên bố từ chối sử dụng bông Tân Cương do lo ngại về nhân quyền vào năm ngoái. Theo thống kê, H&M đã đóng cửa từ 505 cửa hàng ở Trung Quốc Đại Lục xuống còn 362 cửa hàng kể từ sau sóng gió “bông Tân Cương” năm 2021.

Theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, sự cố bông Tân Cương năm 2021 là bước ngoặt khiến H&M trượt dốc tại thị trường Trung Quốc.

Năm 2021, H&M công khai tuyên bố từ chối sử dụng bông Tân Cương vì các vấn đề nhân quyền như cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Kể từ đó, thương hiệu này đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp vì các vấn đề chất lượng sản phẩm. Theo báo cáo, H&M đã bị phạt ít nhất 8 lần vào năm 2021.

Không chỉ tình hình kinh doanh của H&M tại Đại Lục sụt giảm do sự cố “bông Tân Cương”, mà Công ty TNHH Thương mại Haines Morris (Thượng Hải), công ty chính của H&M tại Đại Lục, cũng bị phạt hành chính 31 lần.

Vào tháng 3/2021, các doanh nghiệp như H&M, Nike, v.v, đã tẩy chay vải bông Tân Cương và nhiều thương hiệu quần áo quốc tế khác cũng được cho là đã có những ngôn luận hoặc tuyên bố tương tự, bao gồm Inditex, công ty mẹ của thương hiệu thời trang Tây Ban Nha ZARA. Công ty từng đưa ra tuyên bố “không khoan nhượng đối với lao động cưỡng bức” trên trang web chính thức của mình, nói rằng công ty xác nhận rằng họ không có liên hệ kinh doanh với bất kỳ doanh nghiệp nào ở Tân Cương. ZARA đưa ra tuyên bố “tẩy chay Bông Tân Cương” vào tháng 7/2020.