Hãng SpaceX hôm Thứ Ba công bố rằng họ đã đạt được thỏa thuận với United Airlines cung cấp Internet vệ tinh qua Starlink cho 2.500 máy bay. Tuần trước, khi thỏa thuận lần đầu tiên được công bố, thì con số ban đầu là 1.000 máy bay. Hành khách nhờ vậy vẫn được duy trì kết nối Internet miễn phí dù đang bay trên không. Tuy nhiên, vụ máy nhắn tin nổ tung hàng loạt tại Liban, đã dấy lên một vài lo lắng.

240918UnitedAirlinesBoeing747
Chiếc Boeing 747 của Hàng không United đang hạ cánh xuống sân bay Tel Aviv, Israel, ngày 28/7/2024 (ảnh Shutterstock / Ronen Fefer)

“Chúng tôi phấn khởi công bố rằng trong hợp đồng của mình, chúng tôi có khoảng 2.500 máy bay,” Nick Galano, giám đốc SpaceX về tiêu thụ sản phẩm Starlink, đã nói trong Tuần lễ Kinh doanh Vũ trụ Thế giới cử hành tại Paris, Pháp.

Tuần trước, United Airlines đã công bố họ có thỏa thuận với SpaceX để trang bị đường kết nối Internet vệ tinh Starlink cho 1.000 máy bay. Trong công bố đó, đã nói rằng hành khách dùng máy bay của hãng sẽ nhờ đó mà có được kết nối Internet miễn phí trong cả chuyến bay, theo công nghệ Wi-Fi mà họ vẫn quen dùng tại các môi trường công cộng khác.

Với sự mở rộng của thỏa thuận này, lên tới 2.500 máy bay, United Airlines sẽ thành khách hàng lớn nhất của Starlink trong mảng khách hàng này.

Từ góc nhìn khác, United Airlines cũng dùng các hãng cung ứng Internet khác để cấp dịch vụ Internet Wi-Fi cho hành khách. Starlink với thỏa thuận mới này, sẽ trở thành nhà cung cấp nền tảng Internet cho Wi-Fi lớn nhất của hàng không United.

Starlink trước đó đã công bố các hợp đồng tương tự với hãng hàng không Hawaii Airlines, Qatar Airlines, ZipAir của Nhật Bản, airBaltic của Latvia, và một hãng hàng không nửa tư nhân JSX.

Công ty SpaceX của ông chủ Elon Musk là hãng tư nhân về không gian. Hệ thống Starlink của công ty đã bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh từ năm 2020. Mảng kinh doanh này của công ty phát triển rất nhanh, nhưng trước đó chủ yếu là các khách hàng lẻ. Lần này, có được khách hàng mới trong lĩnh vực các hãng hàng không quốc gia, đã đánh dấu một bước phát triển mới của công ty.

Hệ thống Starlink hiện có 6.400 vệ tinh toàn cầu, với hơn 3 triệu người sử dụng trên 100 quốc gia, theo con số mà công ty công bố.

Ông Galano nói rằng hiện nay lưu lượng trên Starlink đã hơn 300 terabit/s. Trong xu thế phát triển của công ty, ông nói rằng Starlink đang tìm cách đơn giản hóa hơn nữa các công đoạn để khách hàng kết nối mạng Internet vệ tinh.

Starlink cũng được biết đến khi cung cấp miễn phí dịch vụ Internet vệ tinh cho Ukraine vào lúc chiến tranh nổ ra vào cuối tháng 2/2022 ở nước này, giúp đỡ rất nhiều cho Ukraine, khi hệ thống Internet truyền thống của họ ở mặt đất bị đánh hỏng rất nhiều. Người Ukraine dùng dịch vụ Starlink cho mục đích quân sự của mình.

Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến kéo dài, và cũng là lúc chính quyền Kiev nhận được dồi dào các khoản viện trợ từ phương Tây, thì Starlink không còn miễn phí nữa.

Một trong những chủ đề gây tranh cãi là tỷ phú Elon Musk từ chối cung cấp dịch vụ Starlink cho khu vực mà ông nói là lãnh thổ Nga.

Ngoài những lý giải rằng ông Musk không muốn hoạt động mang tính thương mại tư nhân của ông bị lún quá sâu vào chiến tranh, thì có lần ông Musk giải thích rằng chính vì Mỹ cấm vận Nga, cho nên hãng như ông là không thể cung cấp dịch vụ vệ tinh vào lãnh thổ nước Nga, theo lệnh trừng phạt do chính Mỹ đặt ra.

Vấn đề là bán đảo Crimea, nơi Nga tuyên bố là đã sáp nhập vào trở thành của Nga từ 2014, nhưng mà, Kiev không thừa nhận họ đã mất Crimea. Ông Musk từ chối cung cấp dịch vụ Starlink cho vùng bán đảo này.

Cùng ngày Thứ Ba, các máy nhắn tin di động pager đồng loạt phát nổ ở Liban. Những thông tin sơ bộ cho thấy những máy này, tuy nhãn hiệu Gold Apollo Đài Loan, nhưng là được sản xuất bởi một công ty mang tên BAC tại Budapest, Hungary. Hàng loạt máy đã bị lén cài một lượng nhỏ chất nổ. Chất nổ này nối với một công tắc và nó sẽ phát nổ khi được kích hoạt. Kích hoạt được phát động từ xa.

Hezbollah, một nhóm chiến binh ở Liban do Iran hậu thuẫn, đã đặt hàng lô máy nhắn tin này. Kết quả là chiều hôm Thứ Ba, chúng phát nổ hàng loạt khiến ít nhất 12 người chết và gần 3.000 bị thương.

Hezbollah tin rằng vụ này là do Israel đứng sau. Iran gọi hoạt động coi thường sinh mạng của dân thường là “khủng bố” của Israel. Trong khi Israel vẫn chưa lên tiếng, CNN đưa tin theo nguồn tin của mình rằng đó là do cơ quan đặc vụ Mossad và quân đội của Israel đã phối hợp để làm ra vụ nổ máy nhắn tin này.

Hãng Gold Apollo Đài Loan tuyên bố rằng, một khi xác định đúng là do Israel làm ra, thì họ sẽ đệ đơn kiện chính quyền Israel với vụ kiện đòi nhiều tỷ đô-la.

Sự vụ này đã dấy lên lo lắng rằng, với khả năng có thể lén cài chất nổ vào máy nhắn tin rồi kích động cho hàng loạt máy phát nổ từ xa, thế thì, hiển nhiên các điện thoại di động cũng khó tránh khỏi khả năng bị dính tương tự. Có thể gắn vào điện thoại di động và kích hoạt thông qua Internet.

Cho nên cư dân mạng bắt đầu đặt câu hỏi về tính an toàn trên máy bay, khi mà đường truyền Iternet cũng được duy trì ổn trong quá trình bay.

Nhật Tân (theo CNBC)