Giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8% từ ngày 10/11, tác động đáng kể đến chi phí giá vốn hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh buộc phải tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm điện để cân bằng chi phí.

day chuyen sx thep
Điện chiếm 10% trong chi phí giá vốn hàng bán của ngành thép. Nguồn ảnh Báo Chính phủ.

Từ ngày 10/11, giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, lên 2.103,11 đồng/Kw (chưa bao gồm VAT). Chi phí này sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chi phí tăng thêm mỗi tháng của các nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ là 247.000 đồng, sản xuất 499.000 đồng và hành chính sự nghiệp là 91.000 đồng. Nhưng thực tế thì mức ảnh hưởng sẽ khác nhau theo từng lĩnh vực ngành nghề, quy mô doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Công ty chứng khoán Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, 9% đối với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán. Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Như vậy, với mức tăng giá trung bình 4,8%, giá vốn hàng bán ngành thép sẽ tăng khoảng 0,48%; ngành hóa chất tăng khoảng 0,43%; ngành xi măng 0,67%; ngành giấy tăng khoảng 0,24%.

Mức tăng giá bán điện năm nay không cao bằng các năm trước đó. Cụ thể, năm 2023, EVN công bố 2 lần tăng (tháng 5/2023 tăng 3%; tháng 11/2023 tăng 4,5%) với tổng mức tăng 7,6%. Còn trong giai đoạn 10 năm (2009-2019), giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng, mức tăng trung bình giai đoạn này đạt 10%/năm.

Điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI nên điện nếu tăng 4,8% thì làm trực tiếp CPI tăng 0,168%.

Thời điểm tăng giá điện rơi vào lúc doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của cơn bão Yagi. Khó khăn đến từ hai phía khi bản thân các doanh nghiệp sản xuất và phân phối điện cũng gặp nhiều thiệt hại từ chính cơn bão này.

Chính vì vậy, đợt tăng giá điện đang thúc đẩy xu thế kiểm soát, tiết kiệm điện trên mọi khâu, công đoạn sử dụng điện. Các nhà sản xuất sẽ có xu hướng thúc đẩy các sản phẩm tiết kiệm điện để chào bán ra thị trường. Chỉ tiêu tiết kiệm điện sẽ được nâng mức độ quan trọng trong việc ra quyết định mua sắm, thiết kế, đầu tư hệ thống. Doanh nghiệp cũng sẽ đầu tư xây dựng hệ thống đo đếm điện trên từng công đoạn để thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng nội bộ.

Đồng thời, các nhà sản xuất trong các lĩnh vực phụ thuộc điện năng đang gấp rút tìm kiếm các nguồn điện bổ sung đến từ điện mặt trời mái nhà để giảm bớt các khó khăn về chi phí tiền điện.

Nguyên Hương (t/h)