Kế hoạch tăng cường hiện diện trên toàn cầu của Bắc Kinh đang bị ảnh hưởng lớn bởi nhiều quốc gia ngày càng trở nên cảnh giác hơn với “bẫy nợ” mang tên “Vành đai và Con đường”.

Kyaukpyu
Chính phủ Myanmar tạm dừng triển khai dự án cảng Kyaukpyu vì lo ngại trở thành một Sri Lanka thứ hai. (Ảnh: SCMP)

Mới đây, Chính phủ Myanmar vừa thông qua quyết định cắt giảm quy mô vốn của dự án cảng biển nước sâu Kyaukpyu (ở bang Rakhine, miền Tây Myanmar) do Trung Quốc tài trợ.

Theo đó, vốn đầu tư của dự án sẽ được cắt giảm hơn 80% xuống còn 1,3 tỷ USD từ mức 7,2 tỷ USD ban đầu, bởi những lo ngại về nợ vượt quá khả năng chi trả.

Dự án nằm trong vùng đặc khu kinh tế Kyaukpyu, với một bến cảng tự nhiên hướng ra Ấn Độ Dương thích hợp cho các tàu lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã hoàn thiện một đường ống dẫn dầu xuyên Myanmar đến thẳng Côn Minh (Trung Quốc) và một cảng khác có khả năng kết nối các tàu chở dầu trọng tải lên đến 300.000 tấn.

“Myanmar đã đạt được thành công trong việc đàm phán lại dự án cảng biển nước sâu Kyaukpyu với Trung Quốc. Động thái này của chính phủ Myanmar có thể sẽ ảnh hưởng lan rộng sang nhiều nước khác”, Sean Turnell, cố vấn kinh tế cấp cao của chính phủ Myanmar cho biết.

Lo ngại trở thành một “Sri Lanka” thứ hai

Myanmar đã có thể giảm bớt gánh nặng tài chính nếu nhận tiền và cứ để mặc cho Trung Quốc với ý định biến Kyaukpyu thành một mắt xích quan trọng của sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Tuy nhiên, lo ngại các khoản nợ vay từ Trung Quốc sẽ biến Myanmar thành một Sri Lanka thứ hai, Chính phủ Myanmar đã cho dừng triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án cho đến khi hai bên đáp ứng được các điều kiện nhất định, một quan chức cấp cao của Myanmar cho hay.

Trước đó theo kế hoạch ban đầu, cảng biển Kyaukpyu dự kiến được hoàn thành trong 4 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ USD. Trong đó, doanh nghệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc – CITIC Group là cổ đông chính nắm giữ 70% cổ phần, chính phủ Myanmar và 42 công ty trong nước nắm giữ phần còn lại. Ngoài ra, CITIC cũng đang đầu tư 2,7 tỷ USD (tương đương 51% cổ phần) để xây dựng khu công nghiệp quanh cảng Kyaukpyu.

Mặc dù vậy, Myanmar đã quyết định đàm phán lại thỏa thuận này sau khi xem xét tình huống tại Sri Lanka – quốc gia mới đây đã buộc phải bàn giao lại cảng Hambantota cho Trung Quốc trong 99 năm, sau khi gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Hoàn cảnh của Myanmar có điểm tương đồng với Sri Lanka khi hầu hết nguồn vốn cho đầu tư phát triển của quốc gia Đông Nam Á này đều đến từ Trung Quốc. “Có thể chúng ta sẽ phải nhượng lại quyền sở hữu [cảng biển] cho Trung Quốc nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và chúng ta không đủ khả năng chi trả các khoản nợ“, đại diện của một doanh nghiệp địa phương lo ngại.

Trước Myanmar, tân Tổng thống 93 tuổi của Malaysia ông Mahathir cũng đã xem xét hủy bỏ dự án tỷ USD với Trung Quốc. Điều này đang cho thấy tâm lý cảnh giác đối với chế độ Bắc Kinh đang lan rộng do sự nghi nghờ ngày càng gia tăng đối với các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” giữa các quốc gia tham gia.

Ở một khía cạnh khác, một số chuyên gia cho rằng sự thành công của các cuộc đàm phán gần đây của Myanmar có thể đặt quốc gia này vào tình huống phải chịu nhượng bộ đối với các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc trong tương lai.

Đặc biệt, mới đây Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Myanmar ông Soe Win vừa ký một biên bản ghi nhớ về phát triển Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Myanmar vào ngày 9/9 tại Bắc Kinh. Đây là một khuôn khổ hợp tác toàn diện với nhiều dự án trải đều trên 12 lĩnh vực, bao gồm hạ tầng giao thông, điện và xây dựng các khu kinh tế tại biên giới…

“Có sự linh hoạt từ cả hai phía để làm cho nó [hành lang kinh tế] hoạt động”, một quan chức tham gia vào cuộc đàm phán nói với tờ Nikkei Asian Review. “Bây giờ bầu không khí giữa các bên là rất xây dựng.”

Tường Văn

Xem thêm: