Nga sẵn sàng bán dầu, khí đốt cho “các quốc gia thân thiện” với “bất kỳ giá nào”
- Lê Vy
- •
Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết nước này sẵn sàng bán dầu và khí đốt của mình cho các quốc gia “thân thiện” với “bất kỳ giá nào” khi Điện Kremlin tìm cách tăng cường nguồn thu chính của đất nước trong bối cảnh chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov đã thảo luận về tình trạng ngành năng lượng của Nga trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Izvestia, theo Reuters.
Theo ông Shulginov, Nga tiếp tục thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán dầu và khí đốt, mặc dù đã có nhiều lời kêu gọi quốc tế tẩy chay tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ nước này.
Ông lưu ý rằng Điện Kremlin quan tâm nhất đến việc duy trì hoạt động của ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga trong cuộc xung đột.
Ông cho biết lời đề nghị bán dầu, khí đốt với giá ưu đãi sẽ áp dụng cho “các quốc gia thân thiện” – nghĩa là các nước đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow kể từ khi Điện Kremlin bắt đầu cuộc xâm lược tàn bạo vào Ukraine.
Theo đó, giá bán có thể dao động từ 80 đến 150 đô la một thùng.
Pavel Zavalny, chủ tịch ủy ban năng lượng của Duma Quốc gia Nga, trước đây đã xác định Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia mà Điện Kremlin vẫn coi là “thân thiện”. Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong số các quốc gia vẫn đang tiếp tục mua các lô hàng năng lượng của Nga.
Việc Liên minh châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga đã làm phức tạp các nỗ lực của phương Tây nhằm siết chặt nền kinh tế của đất nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang yêu cầu các quốc gia phương Tây mua dầu và khí đốt từ nước này phải thanh toán các lô hàng bằng đồng rúp – một động thái được coi là nỗ lực nâng đỡ đồng tiền đang bị sụt giảm của Moscow. Tháng trước, ông Putin cảnh báo Nga sẽ cắt các lô hàng cho các quốc gia không tuân theo yêu cầu về đồng rúp.
Các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi cấm vận hoàn toàn năng lượng Nga. Họ cho rằng số tiền thu được này là dùng để tài trợ cho chiến tranh. Cho đến nay, Liên minh châu Âu đã từ chối thực hiện bước đi đó, với lý do lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra.
Xuất khẩu dầu và khí đốt chiếm khoảng 40% doanh thu hàng năm của Điện Kremlin.
Lê Vy (theo NY Post)
Từ khóa dầu và khí đốt của Nga