Ngân hàng Thế giới: Nợ của các nước nghèo năm 2020 tăng 12% lên mức kỷ lục 860 tỷ đô la
- Gia Huy
- •
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Hai (11/10), Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, năm 2020 gánh nặng nợ của các quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới đã tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỷ đô la trong bối cảnh các quốc gia đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng các gói kích thích tài chính và tiền tệ quy mô lớn.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nhận định, báo cáo cho thấy tình trạng tổn thương do nợ của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang gia tăng một cách đáng kể. Ông kêu gọi thực hiện các bước khẩn cấp để giúp các quốc gia này đạt được mức nợ bền vững hơn.
Trong một thông báo đi kèm với báo cáo Thống kê Nợ Quốc tế mới năm 2022, ông Malpass nhấn mạnh: “Chúng ta cần có một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề nợ, bao gồm giảm nợ, tái cơ cấu nợ nhanh hơn, và cải thiện tính minh bạc.”
Ông nói: “Mức nợ bền vững là rất quan trọng để phục hồi kinh tế và xóa đói giảm nghèo.”
Báo cáo của WB tiết lộ, năm 2020 các khoản nợ nước ngoài của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cộng lại đã tăng 5,3% lên mức 8,7 nghìn tỷ đô la, ảnh hưởng đến các quốc gia trong tất cả các khu vực.
Theo báo cáo, sự gia tăng nợ nước ngoài của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã cao hơn tổng thu nhập quốc gia (GNI) và tăng trưởng xuất khẩu. Không tính Trung Quốc, tỷ lệ nợ nước ngoài/GNI tăng 5% lên mức 42% vào năm 2020, trong khi đó tỷ lệ nợ nước ngoài/xuất khẩu đã tăng lên mức 154% vào năm 2020, từ mức 126% của năm 2019.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho hay, các nỗ lực tái cơ cấu nợ là cần thiết khẩn cấp do Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), vốn cho phép các nước có thu nhập thấp và trung bình hoãn thanh toán nợ, sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Năm ngoái, nhóm G20 và Câu lạc bộ Paris gồm các chủ nợ chính thức đã đưa ra một Khuôn khổ Chung để Xử lý Nợ nhằm tái cơ cấu tình trạng nợ không bền vững và các khoảng trống tài chính kéo dài ở những quốc gia đủ điều kiện hưởng DSSI, nhưng cho đến nay, mới chỉ có ba quốc gia, Ethiopia, Chad, và Zambia, áp dụng quy chế này.
Báo cáo của WB chỉ ra, dòng vốn ròng từ các chủ nợ đa phương dành cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã tăng lên 117 tỷ đô la vào năm 2020, mức cao nhất trong một thập kỷ.
Cũng theo báo cáo, khoản cho vay ròng đối với các quốc gia có thu nhập thấp đã tăng 25% lên 71 tỷ đô la, cũng là mức cao nhất trong một thập kỷ. Trong số đó, IMF và các chủ nợ đa phương khác cung cấp 42 tỷ đô la, còn các chủ nợ song phương cung cấp 10 tỷ đô la.
Bà Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cảnh báo, những thách thức mà các quốc gia đang mắc nợ nhiều phải đối mặt có thể trở nên tồi tệ hơn khi lãi suất tăng lên.
Bà lưu ý: “Các nhà hoạch định chính sách cần phải chuẩn bị cho khả năng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất khi tình trạng thị trường tài chính trở nên kém lành mạnh hơn, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.”
Ngân hàng Thế giới còn nhấn mạnh, tổ chức này đã mở rộng báo cáo năm 2022 để tăng cường tính minh bạch về các mức nợ toàn cầu bằng cách cung cấp dữ liệu chi tiết hơn và tách biệt hơn về nợ nước ngoài.
Dữ liệu của WB hiện bao gồm bảng phân tích khoản nợ nước ngoài của quốc gia đi vay bằng cách hiển thị số tiền nợ đối với từng chủ nợ chính thức và tư nhân, thành phần tiền tệ của khoản nợ này, và các điều khoản về khoản vay đã được gia hạn.
Đối với các quốc gia đủ điều kiện hưởng DSSI, dữ liệu cũng hiển thị khoản dịch vụ nợ được từng chủ nợ song phương cho phép tạm hoãn thanh toán và các khoản thanh toán nợ theo tháng dự kiến cho các chủ nợ này trong suốt năm 2021.
Gia Huy (Theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện nợ quốc gia ngân hàng thế giới