Người mua xăng dầu trả thêm bao nhiêu khi Quỹ bình ổn dư 5.640 tỷ đồng?
- Tuấn Minh
- •
Tính đến thời điểm cuối quý 1/2023, Bộ Tài chính cho biết Quỹ bình ổn xăng dầu (quỹ hình thành do người mua phải trả thêm tiền trên mỗi lít xăng dầu) còn hơn 5.640 tỷ đồng. Riêng quý 1 năm nay, tổng số tiền người dân đã đóng vào quỹ này là hơn 1.680 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, riêng quý đầu năm nay, tổng số tiền người dân đã đóng vào Quỹ bình ổn xăng dầu (cơ quan nhà nước thường gọi là trích quỹ) là hơn 1.680 tỷ đồng. Trong khi đó, cơ quan quản lý quỹ bình ổn này chi ra khoảng 660 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý 1, lấy số thu trừ số chi, tổng số tiền mà người mua xăng dầu phải trả thêm là khoảng 1.020 tỷ đồng, mặc dù Quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động dưới danh nghĩa “hạ nhiệt” giá xăng dầu.
Tính đến hết ngày 31/3, số dư trên quỹ bình ổn giá xăng dầu là khoảng hơn 5.640 tỷ đồng, tăng khoảng 1.040 tỷ đồng so với quý liền trước đó. Đây cũng là mức cao nhất của quỹ này từ đầu năm 2021 đến nay.
Trong 33 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp giữ quỹ cao nhất với số tiền 1.985 tỷ đồng, chiếm 35% tổng quỹ.
Hiện Quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục tăng. Trong đó, tính đến ngày 11/5, Petrolimex giữ quỹ 2.810 tỷ đồng, Saigon Petro giữ 323 tỷ đồng, Petimex giữ 427 tỷ đồng…
Việc người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền trên mỗi lít xăng dầu để đóng vào quỹ này phụ thuộc vào mỗi kỳ điều hành giá của liên Bộ Công thương – Tài chính vào 3 ngày trong tháng (ngày 1, ngày 11 và ngày 21).
Nếu cơ quan này thông báo không trích quỹ thì tương đương người dân không phải trả thêm vào kỳ điều hành đó. Ngược lại, người dân sẽ phải trả thêm tiền để đóng vào quỹ này.
Hôm 14/2, TS Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định: “Các quốc gia khác không can thiệp vào giá xăng dầu mà dùng quỹ xăng dầu dự trữ mua vào bán ra để ổn định giá. Quỹ Bình ổn xăng dầu của Việt Nam đang gây bất ổn chứ không phải bình ổn giá”, báo Tiền Phong dẫn lời.
Ông Thế Anh cũng chỉ ra một bất cập nữa của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là có tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng.
Theo đó, xăng E5 RON92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập. Các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi. Điều này khiến người sử dụng dầu đang phải “trợ giá’’ cho những người dùng xăng.
Quỹ bình ổn xăng dầu cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng. Quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo quy tắc nào.
Tuy vậy, đối với những bất cập nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay vẫn cần giữ sự hoạt động của quỹ này để nhà nước có công cụ điều tiết thị trường.
Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 22/5/2023, mặc dù giá xăng dầu đồng loạt tăng nhưng liên Bộ Công thương – Tài chính vẫn quyết định người dân phải trả thêm tiền để đóng vào quỹ bình ổn là 300 đồng mỗi lít.
Từ khóa giá xăng dầu bộ tài chính Quỹ bình ổn xăng dầu Dòng sự kiện