Nhiều công ty Ấn Độ mua dầu của Nga thanh toán bằng RMB, TQ phấn khích
- Chính Hâm
- •
Ngày 3/7 có tin một số nhà máy lọc dầu của Ấn Độ mua dầu của Nga bằng Nhân dân tệ (RMB), giới truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng đó là tin quan trọng cho thấy vấn đề quốc tế hóa RMB. Nhưng có chuyên gia chỉ ra thực tế vấn đề này cũng tác động ngược lên tỷ giá hối đoái và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.
Reuters: Một số nhà máy lọc dầu Ấn Độ bắt đầu thanh toán bằng RMB khi nhập khẩu dầu của Nga
Theo một nguồn tin độc quyền của Reuters hôm 3/3 cho biết, một số nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã bắt đầu sử dụng RMB để thanh toán cho một số dầu nhập khẩu từ Nga.
Ấn Độ đã nổi lên như là bên mua dầu ngoài khơi lớn nhất của Nga khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga làm thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu trong lĩnh vực xuất khẩu chính của nước này. Trong tháng 5, nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục với các sản phẩm của Nga chiếm 40% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, trong khi trước đó một năm chỉ là 16,5%, đồng thời làm giảm lượng mua từ Iraq và Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út).
Một nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết: “Nếu các ngân hàng không sẵn sàng giải quyết các giao dịch bằng USD, một số nhà máy lọc dầu Ấn Độ sẽ thanh toán bằng các loại tiền tệ khác như RMB”.
Bên mua dầu lớn nhất của Nga là Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ vào tháng 6 đã trở thành nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước đầu tiên thanh toán một phần các giao dịch mua của Nga bằng đồng RMB. Còn trong số 3 nhà máy lọc dầu tư nhân của Ấn Độ có ít nhất 2 nơi cũng thanh toán một số hàng nhập khẩu của Nga bằng đồng RMB.
Đồng USD từ lâu đã là đồng tiền dầu mỏ chính trên thế giới. Do Nga chịu lệnh trừng phạt quốc tế nên đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD và EUR (đồng euro). Giờ đây, đồng RMB đã bắt đầu đóng một vai trò trong hệ thống tài chính của Nga.
Hầu hết nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ Nga cũng đã được thanh toán bằng đồng RMB, còn Nga trong quý đầu năm nay cũng đã thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc.
Nguồn tin cho biết, không thể ngay lập tức xác định các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua bao nhiêu dầu của Nga bằng đồng RMB, mặc dù Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ đã thanh toán cho một số lô hàng bằng đồng RMB. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã dùng đồng dirham của UAE thanh toán một số khoản thanh toán không dùng USD cho dầu của Nga.
“Lựa chọn đầu tiên là thanh toán bằng USD, nhưng các nhà tinh chế đôi khi thanh toán bằng các loại tiền tệ khác như dirham và RMB khi bên bán yêu cầu”, một nguồn tin chính phủ cho biết.
Các công ty dầu mỏ quốc tế đã yêu cầu Rosneft của Nga xem xét sử dụng các tàu không bị trừng phạt quản lý quốc tế để cung cấp dầu, một nguồn tin khác cho biết.
Một nhà máy lọc dầu nhà nước khác của Ấn Độ là Bharat Oil cũng đang tìm cách trả tiền mua dầu của Nga bằng đồng RMB. “Nhiều bên bán nhất quyết yêu cầu thanh toán bằng RMB”, theo nguồn tin.
Mặc dù Ấn Độ không công nhận các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow và việc Ấn Độ mua dầu của Nga có thể không vi phạm các lệnh trừng phạt đó, nhưng các ngân hàng Ấn Độ thận trọng trong khi thanh toán.
Nga từ chối thanh toán bằng đồng rúp, đồng rupee của Ấn Độ
Ngày 4/5, hai quan chức Chính phủ Ấn Độ và một người trực tiếp biết về vấn đề này cho biết, sau nhiều tháng đàm phán không thuyết phục được Moscow đưa đồng rupee của Ấn Độ vào dự trữ ngoại hối, Ấn Độ và Nga đã tạm dừng các cuộc đàm phán thương mại song phương bằng đồng rupee.
Đây sẽ là một trở ngại lớn đối với các nhà nhập khẩu dầu và than giá rẻ của Ấn Độ từ Nga, vì họ đang mong đợi một cơ chế thanh toán bằng đồng rupee vĩnh viễn giữa hai nước, giúp giảm chi phí trao đổi tiền tệ.
Một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết, vì thâm hụt thương mại có lợi cho Nga, nên Moscow cho rằng nếu thực hiện cơ chế như vậy sẽ dẫn đến thặng dư đồng rupee hàng năm trị giá hơn 40 tỷ USD, cho rằng việc liên tục tích lũy đồng rupee là “không nên”, chắc chắn là bất lợi cho Nga.
Thực tế là vấn đề hạn chế trong chuyển đổi của đồng rupee Ấn Độ cùng vấn đề tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của Ấn Độ (chỉ khoảng 2%) là những yếu tố làm giảm nhu cầu của các nước để có thể lưu giữ đồng rupee.
Ấn Độ đã bắt đầu nghĩ đến cơ chế thanh toán bằng đồng rupee với Nga ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, nhưng vẫn chưa có thông tin gì về một thỏa thuận liên quan, hầu hết giao dịch được tính bằng USD nhưng ngày càng có nhiều giao dịch được thực hiện bằng các loại tiền tệ khác như đồng dirham của UAE.
Quốc tế hóa RMB sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái và dự trữ ngoại hối
Ngày 3/7, nhiều phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc chủ yếu đưa tin về việc một số nhà máy lọc dầu của Ấn Độ mua dầu của Nga bằng RMB, hoạt động đưa tin đầy phấn khích với các tiêu đề tương tự như “Tin tức lớn về quốc tế hóa RMB! Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ dùng RMB để mua dầu của Nga”…
Nhưng thực tế, quốc tế hóa đồng RMB không hẳn là tin vui!
Từ góc độ kinh tế vĩ mô, cho dù các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc có quảng cáo về nền kinh tế Trung Quốc như thế nào, nhưng tất cả các ngành công nghiệp Trung Quốc đều đang suy thoái, dữ liệu dù đẹp cũng không thể làm nền kinh tế sôi động hơn. Đặc biệt, dữ liệu từ tháng 4 đến nay đều cho thấy vấn đề khó khăn trong phục hồi bất chấp nhà chức trách vào tháng 12 năm ngoái dỡ bỏ ‘Zero COVID’ chống dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu kém không được cải thiện. Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nỗ lực hỗ trợ hoạt động thanh khoản cho hệ thống tài chính, nhưng nền kinh tế thực không được hưởng lợi từ việc này, thay vào đó lại là vấn nạn tài chính nhàn rỗi, tức là dòng tiền tập trung lưu thông trong hệ thống tài chính. Tương tự, ngành bất động sản sau vài tín hiệu hồi phục không bao lâu lại đi xuống, giao dịch trên thị trường bất động sản sụt giảm. Ngoài ra, nhu cầu bên ngoài giảm cũng khiến xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại, các công ty thương mại nước ngoài chuyển đổi sang USD dự trữ nhiều hơn thay vì chuyển đổi thành RMB, đây cũng là biểu hiện trực tiếp cho thấy thực trạng ngoại thương Trung Quốc suy yếu.
Liên quan đến sự mất giá gần đây của đồng RMB, có phân tích cho rằng một trong những nguyên nhân là do tác động phản ứng dữ dội của việc quốc tế hóa đồng RMB; tức là trên thị trường quốc tế, các nước như Nga và Argentina… bán đồng RMB để lấy USD.
Nhà nghiên cứu kinh tế Song Weijun tại tổ chức tư vấn Kinh tế chính trị Thiên Quân (nhóm người Hoa tại Mỹ) cho rằng chính quyền Bắc Kinh hiện đang ở trong tình thế khó khăn về vấn đề mất giá RMB, việc quốc tế hóa RMB cũng đang ở trạng thái không bình thường. Ông chỉ ra, chẳng hạn như Argentina đã đổi 4.500 tỷ peso với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lấy 130 tỷ RMB, sau khi Argentina nhận đồng RMB lại đổi thành USD để mua các vật tư cần thiết trên thị trường quốc tế. Biện pháp của Saudi Arabia còn độc đáo hơn, đó là đổi trực tiếp RMB lấy vàng trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Như vậy, đồng RMB trên thị trường quốc tế càng nhiều thì dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ càng sụt giảm. Cho nên nếu nhà chức trách Trung Quốc muốn kiểm soát tỷ giá hối đoái thì không thể quốc tế hóa đồng RMB, còn muốn quốc tế hóa RMB thì phải để RMB tự do chuyển đổi, nhưng cả hai biện pháp này đều là vấn đề của thể chế chính trị tại Trung Quốc .
Từ khóa Dòng sự kiện đồng nhân dân tệ Quốc tế hóa RMB RMB