Nợ khó đòi của các tập đoàn, tổng cty Nhà nước trên 14 nghìn tỷ đồng
- Nguyễn Quân
- •
Tổng nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong năm 2017 là 409.074 tỷ đồng, trong đó, nợ phải thu khó đòi là 14.114 tỷ đồng, chiếm 3,8%.
Theo báo cáo về Hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2017 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, kết thúc năm tài chính 2017, có 526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước).
Tổng tài sản của khối này là 3.015.478 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016. Vốn chủ sở hữu là 1.371.561 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016.
Tổng doanh thu đạt 1.605.050 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 167.579 tỷ đồng, tăng 26% so với thực hiện năm trước.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) bình quân chung của các doanh nghiêp nhà nước năm 2017 là 10,2%, tăng 2,6 điểm phần trăm so với thực hiện năm 2016 (7,6%). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/tổng tài sản (ROA) bình quân chung năm 2017 là 7,4%, tăng 1,7 điểm phẩm trăm so với thực hiện năm 2016 (5,7%).
Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2016.
Tuy nhiên, trong 83 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con có tổng tài sản 2.776.384 tỷ đồng, tổng các khoản phải thu của khối này là 409.074 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 14.114 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016, chiếm 3,8% tổng số nợ phải thu. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam dẫn đầu với số nợ khó đòi gần 7.000 tỷ đồng, của Tập đoàn Cao su Việt Nam là trên 1.500 tỷ đồng…
Tỷ lệ các khoản phải thu/tổng tài sản năm 2017 của khối này là 13,5% (số liệu báo cáo hợp nhất) và 22% (số liệu báo cáo công ty mẹ).
Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản trên 50% như Công ty mẹ – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (nợ phải thu 12.057,5 tỷ đồng, tỷ lệ 58%); Công ty mẹ – Tổng công ty Sông Đà (nợ phải thu 8.584,702 tỷ đồng, tỷ lệ 54%); Công ty mẹ – Tổng công ty Đông Bắc (nợ phải thu 6.182,272 tỷ đồng, tỷ lệ 70%)…
Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, tổng số nợ phải trả là 1.530.667 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016, chiếm 56,5% tổng nguồn vốn.
Trong số các tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn được nhắc đến trong báo cáo, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đứng đầu với số nợ 146.585 tỷ đồng. Tiếp đến là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nợ 132.071 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, nợ 48.648 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nợ 28.417 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam nợ 12.843 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nợ 10.307 tỷ đồng…
Theo báo cáo hợp nhất, khối này có tổng doanh thu 1.455.921 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 154.569 tỷ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm 2016.
Trong khối, 10 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế 12.074,771 tỷ đồng; 2 Công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 1.791,633 tỷ đồng.
“Nợ phải thu khó đòi” là các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán trên 06 tháng (tính theo thời hạn trả nợ ban đầu, không kể thời gian gia hạn trả nợ), doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp xử lý như đối chiếu xác nhận, đôn đốc thanh toán nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thu hồi được; hoặc là các khoản nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng khách nợ là tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản, đang làm thủ tục giải thể, người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết. (Nghị định 206/2013/NĐ-CP ngày 9/12/2013 của Chính phủ). Về cơ bản, đây là khoản nợ phải thu bị xếp vào diện khó đòi, nguy cơ mất vốn ở mức cao. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa nguồn vốn nhà nước PVN nợ phải thu khó đòi