Sáng nay (14/11), với hơn 82,15% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

phan-bo-ngan-sach-trung-uong-2017-va-van-de-thieu-von-cho-cac-van-de-xa-hoi-dia-phuong
Kẹt xe, ùn tắc giao thông là một trong những vấn đề TP. HCM đang cần nguồn vốn lớn để giải quyết. (Ảnh: laodong.com.vn)

Tổng chi nhiều hơn tổng thu 172.300 tỷ đồng

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Theo nội dung được thông qua, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 được giữ ổn định trong suốt thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Trong trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định trên, có tác động đến tăng thu ngân sách địa phương lớn thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương

Trong báo cáo giải trình về ý kiến đề nghị cân nhắc việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương, như TP. HCM (giảm 5%), Đà Nẵng (giảm 17%),… Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, tăng tỷ lệ phần trăm điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên.

Các định mức phân bổ đã có hệ số và mức ưu tiên cho các địa phương điều tiết về ngân sách trung ương, ưu tiên phân bổ thêm số chi tính theo dân số từ 30% đến 70%. Trong đó, TP. Hà Nội và TP. HCM là đô thị đặc biệt được tăng cao hơn để xử lý các vấn đề môi trường, thị chính, các vấn đề về an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai…

Cụ thể, đối với TP. HCM, theo ông Hải, nếu tính khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách TP. HCM năm 2017 là 7.316 tỷ đồng để thực hiện các dự án công trình quan trọng, thì tỷ lệ điều tiết của TP. HCM là khoảng 22%.

Nếu tính cả 10.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án chống ngập và 8.800 tỷ đồng cho hai bệnh viện tuyến cuối tại TP. HCM thì tổng mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho TP. HCM năm 2017 khoảng 18.800 tỷ đồng.

Trước đó, với khả năng bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách của thành phố từ 23% xuống 18%, TP. HCM đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Chính trị,… kiến nghị giữ tỷ lệ điều tiết 21%. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, năm 2017, thành phố được giao chỉ tiêu ngân sách là 360.000 tỷ đồng, nếu giảm 2% thì thành phố cũng mất đến 7.200 tỷ đồng; cùng với đó là việc sắp tới, Quốc hội, Chính phủ đều thắt chặt nguồn vay. Để tiết kiệm nguồn vốn, TP. HCM đang tìm kiếm các giải pháp giảm chi tiêu công, tìm kiếm nguồn vốn xã hội hóa.

Lam Ngọc

Xem thêm: