Hiện sàn Temu đã phải tạm dừng hoạt động tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Công thương trong thời gian hoàn thiện hồ sơ đăng ký.

r shutterstock 2282110957
Biểu tượng ứng dụng Temu. Công ty con Temu của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo có trụ sở tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa: yanishevska / Shutterstock)

Ngày 4/12, Temu bất ngờ thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, sau khi làm việc với Bộ Công Thương và được Bộ này yêu cầu.

Chưa rõ thời điểm Temu hoạt động trở lại. Temu hiện đã chuyển hoàn toàn ngôn ngữ giao diện từ tiếng Việt sang tiếng Anh trên cả ứng dụng lẫn website. Người dùng tại Việt Nam chỉ có 3 lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.

Theo quản lý Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, Temu đã gửi hồ sơ đăng ký hoạt động nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Cục đã yêu cầu sàn này nhanh chóng hoàn thiện thủ tục pháp lý. Trong thời gian đăng ký phải thông báo với người tiêu dùng, đồng thời dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.

Báo Vietnamnet dẫn khuyến nghị từ ông Nguyễn Bình Minh – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay hai việc mà người trót đặt hàng trên Temu nên làm lúc này:

Một là, liên hệ với Temu kiểm tra xem khi nào sẽ giao hàng, vì có thể khâu giao hàng gặp khó khăn liên quan thủ tục hải quan.

Hai là, có thể hủy đơn hàng và yêu cầu hoàn tiền.

Bộ Công Thương cảnh báo về rủi ro khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới chưa đăng ký

Nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm và về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Do vậy, trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với một số khó khăn.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đứng trước rủi ro cao khi mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đặt hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký. Những mặt hàng này có thể không đạt tiêu chuẩn an toàn, gây hại cho người tiêu dùng hoặc là những hàng hoá bị cấm tại thị trường Việt Nam.

Nguy cơ tiềm ẩn về vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.Khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân.

Nguy cơ tiềm ẩn về các trách nhiệm pháp lý liên quan đến thuế đối với các hàng hoá nhập khẩu qua TMĐT. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng về rủi ro pháp lý khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký. Hàng hóa mua từ các nền tảng TMĐT xuyên biên giới không lường trước được các nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và các vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.

Khánh Vy (t/h)