Sự thống lĩnh thị trường của các “gã khổng lồ” công nghệ, cùng với khả năng thâu tóm và “bóp nghẹt” các công ty khởi nghiệp ngay từ trong trứng nước đang khiến một ngành công nghiệp đầy sôi nổi và mới mẻ bắt đầu trở thành một thứ độc quyền thông thường.

Embed from Getty Images

Trong hơn 10 năm qua, không có có một công ty công nghệ mới nào có thể phát triển để lọt vào danh sách các “gã khổng lồ”.

Thung lũng Silicon đáng lẽ phải nơi mà hai, ba anh chàng trong các phòng ký túc xá hay gara ô tô có thể tạo ra một phép màu thay đổi thế giới như với Apple và Microsoft vào những năm 1970, AOL trong những năm 1980, Amazon, Yahoo và Google trong những năm 90 và Facebook trong những năm 2000.

Tới những năm 2010, Facebook vẫn là trường hợp khởi nghiệp thành công lớn nhất và cho đến nay vẫn không có một công ty nào trong lĩnh vực công nghệ có được thành công như thế nữa.

Năm 2016, sự xuất hiện của Uber được coi là người khổng lồ công nghệ mới nhất của Thung lũng Silicon, nhưng Giám đốc điều hành công ty đã từ chức vì bị cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục ở văn phòng, tương lai của Uber trở nên bất định. Các công ty công nghệ khác thành lập trong 10 năm qua dường như không thể ngồi chung “mâm” với các ông lớn trước đó. Airbnb – Startup công nghệ lớn thứ 2 của Mỹ ra đời sau Uber có trị giá 31 tỷ USD, chỉ tương đương 7% giá trị của Facebook. Các công ty khác như Snap, Square, và Slack còn ít có giá trị hơn.

Vậy điều gì đang xảy ra? Đây là câu hỏi đặt ra cho một số nhà quản lý công nghệ và các nhà đầu tư khởi nghiệp.

Jay Zaveri, nhà đầu tư của công ty Social Capital cho biết: “Khi tôi nhìn vào Google và Amazon vào những năm 90, tôi cảm thấy như Columbus và Vasco da Gama đang khởi hành từ Bồ Đào Nha lần đầu tiên”.

Các công ty Internet tiên phong đã nắm lấy các thị trường béo bở nhất, như mạng tìm kiếm, mạng xã hội và thương mại điện tử khiến cho các công ty ra đời sau như Pinterest và Blue Apron phải chen chúc trong một thị trường hẹp hơn.

Những gã khổng lồ công nghệ ngày nay đã có kinh nghiệm về dự đoán và ngăn ngừa các mối đe dọa đối với sự thống trị của họ. Họ làm điều này bằng cách mở rộng mạnh mẽ vào các thị trường mới và thâu tóm các đối thủ tiềm năng khi vẫn còn tương đối nhỏ. Các công ty công nghệ lớn đã kiểm soát tốt hơn và khóa chặt các phần chính của cơ sở hạ tầng internet, đóng kín những con đường mà họ đã sử dụng để tiếp cận thị trường đại chúng.

Kết quả là, một ngành công nghiệp đầy sôi nổi và mới mẻ bắt đầu trở thành một thứ độc quyền thông thường – được thống trị bởi một số ít các công ty lớn trên đỉnh cao và càng có vị trí vững chắc.

Thâu tóm các đối thủ non trẻ

Facebook mua lại Instagram
Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2012.
(Ảnh: Pinterest.com)

Mọi người trong Thung lũng Silicon đều biết câu chuyện về những công ty từng vĩ đại như Tập đoàn thiết bị số (DEC), Sun Microsystems, AOL và Yahoo – những công ty đã bị đẩy ra khỏi thị trường do sự thay đổi về công nghệ. Nhà đầu tư mạo hiểm Phin Barnes chia sẻ rằng những gã khổng lồ công nghệ ngày nay đã cẩn thận nghiên cứu những sai lầm của các hãng trên và quyết tâm không lặp lại chúng.

“Những gã khổng lồ công nghệ ngày nay như Facebook, Amazon, Google, và Microsoft hiểu rõ về những nguy cơ tồn tại tốt hơn rất nhiều”, ông Barnes nói.

Đối với Facebook, thử thách lớn đầu tiên của họ là sự xuất hiện điện thoại thông minh. Facebook bắt đầu như một trang web dành cho máy tính để bàn và công ty này có thể dễ dàng bị đẩy khỏi thị trường, giống như Yahoo, nếu không thích ứng với các thiết bị di động. Nhưng Zuckerberg đã nhận ra tầm quan trọng của các thiết bị di động sử dụng màn hình cảm ứng và đặt ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển các ứng dụng cho điện thoai di động.

Song song với đó, Zuckerberg liên tục thâu tóm các công ty công nghệ có tiềm năng thu hút người dùng trên các thiết bị di động. Năm 2012, ông đã mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD, hai năm sau, Facebook tiếp tục thâu tóm WhatsApp với giá 19 tỷ USD. Zuckerberg đã học theo mô hình của Google. Vào năm 2006, Google đã trả 1,65 tỷ USD để mua lại YouTube, trang web là một trong những điểm đến phổ biến nhất trên Internet. Đặc biệt, thương vụ mua lại công ty phần mềm di động ít được biết đến lúc bấy giờ là Androidin vào năm 2005 đã đặt nền tảng cho sự thống trị cuối cùng của Google đối với các hệ điều hành điện thoại thông minh.

Những vụ mua lại này tỏ ra cực kỳ khôn ngoan. Một xếp hạng cho thấy WhatsApp và YouTube là mạng xã hội hàng đầu trên internet chỉ xếp sau Facebook. Instagram đứng vị trí tiếp theo nếu không tính các trang mạng xã hội của Trung Quốc. Nếu không bị mua lại, các công ty này sẽ có thể dễ dàng trở thành các đối thủ cạnh tranh chính của Google và Facebook.

Amazon cũng theo đuổi một chiến lược tương tự khi mua cửa hàng trực tuyến Zappos trong năm 2009, một năm sau Amazon tiếp tục mua Quidsi – công ty sở hữu trang web dành cho các bậc cha mẹ là Diapers.com.

Cuộc chiến không khoan nhượng giữa các công ty công nghệ

Embed from Getty Images

Hai nhà đồng sáng lập Snap.

Không phải tất cả các công ty công nghệ đều chấp nhận những đề nghị mua lại từ những người khổng lồ. Giám đốc điều hành Snapchat – Evan Spiegel đã từ chối đề nghị mua lại trị giá 3 tỷ USD từ Mark Zuckerberg vào năm 2013, công ty đã đổi tên thành Snap và được niêm yết trên thị trường chứng khoản vào năm 2017.

Sau đó, Facebook phản ứng bằng cách tự tạo ra phiên bản ứng dụng riêng và giới thiệu các tính năng tương tự Snapchat thông qua Instagram vào năm 2016. Chỉ trong vòng 6 tháng, số lượng người dùng tính năng story của Instagram hàng ngày đã nhiều hơn Snapchat. Instagram cũng giới thiệu tính năng tương tự tính năng lenses của Snapchat, cho phép mọi người gắn những hình ảnh như tai thỏ và tai chó khi sử dụng. Sự cạnh tranh từ Instagram đã gây sức ép lên giá cổ phiếu của Snap.

Một trường hợp khác là Giám đốc điều hành Yelp (ứng dụng tìm kiếm địa điểm ăn uống, mua sắm, uống, giải trí) – Jeremy Stoppelman đã bác bỏ đề nghị mua lại từ Google và Yahoo để niêm yết trên thị trướng chứng khoán năm 2012.

Google đáp trả bằng cách phát triển dịch vụ đánh giá địa điểm. Theo đánh giá của Stoppelman, Google đã sử dụng vị thế thống trị trong thị trường tìm kiếm để cung cấp cho sản phẩm đánh giá địa điểm của mình một lợi thế không công bằng.

“Google bắt đầu gây áp lực lên mảng phân phối và đẩy các kết quả tìm kiếm không trả phí xuống dưới”, Stoppleman nói.

Việc bị đẩy xuống ở các trang sau trong kết quả tìm kiếm của Google đã khiến Yelp khó lòng thu hút được người dùng mới. Mặc dù Yelp đã khá phổ biến để có thể phát triển mạnh ở Hoa Kỳ, nhưng Stoppelman cho rằng hành động này của Google đã cản trở nỗ lực mở rộng ra nước ngoài của Yelp.

Trước sức ép cạnh tranh gay gắt này, nhiều công ty khởi nghiệp đã buộc phải bán mình cho các ông lớn trong ngành. Công ty sở hữu trang Diapers.com – Quidsi ban đầu đã từ chối đề nghị mua lại của Amazon. Tuy nhiên, trước sức ép đáp trả bằng các chương trình khuyến mãi khủng của Amazon, Quidsi non trẻ với tiềm lực tài chính yếu hơn đã buộc phải bán mình cho Amazon vào năm 2010.

Các startup hiện đại cần rất nhiều tiền để khởi nghiệp

lyft-Uber
Một xe taxi của Lyft – đối thủ cạnh tranh chính của Uber. (Ảnh: ntdtv.com)

Các công ty internet tiên phong như Yahoo, eBay, Google và Facebook đã có thể khởi nghiệp bằng một kinh phí ít ỏi và đạt được lợi nhuận trong vòng vài năm tiếp theo.

“Mark Zuckerberg đã có một lợi thế rất lớn với Facebook vì áp lực của người bình thường khi xây dựng một công ty đã được thay thế bởi việc ông ta chỉ cần chơi đùa với các ý tưởng một cách nhẹ nhàng”, Mike Maples, nhà đầu tư tại công ty Floodgate nói.

Tại thời điểm Zuckerberg thành lập Facebook năm 2004, không tốn nhiều tiền để tạo và duy trì một trang web, thậm chí với hàng triệu người dùng. Vì vậy, Zuckerberg đã có thể đạt được khả năng sinh lợi một cách nhanh chóng và khi Facebook tiếp tục phát triển đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho phép họ mua lại hoặc phát triển các sáng kiến ​​mới.

Tuy nhiên, những năm gần đây mọi việc đã thay đổi. Các nhà đầu tư đã nhận ra các công ty công nghệ có thể mang lại lợi nhuận cao, họ đã sẵn sàng đổ nhiều tiền và nguồn lực để đảm bảo rằng “startup” của họ chiếm lĩnh được thị trường, làm cho mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này tăng cao.

Một ví dụ điển hình là thị trường chia sẻ xe, nơi mà cuộc cạnh tranh về giá của Uber và Lyft trong nhiều năm đã tiêu tốn của Uber hàng tỷ đô la và Lyft hàng trăm triệu đô. Tương tự như trong thị trường phân phối thực phẩm, nơi các công ty đã chi hàng triệu đô la để thu hút khách hàng.

Một thay đổi khác là: Các công ty công nghệ khổng lồ ngày càng gia tăng kiểm soát nền tảng mà Startup sử dụng tiếp cận người dùng.

Stoppelman – Giám đốc điều hành của Yelp chia sẻ, Facebook đã tăng trưởng dựa trên việc nói rằng “gửi chúng tôi địa chỉ email của bạn, và tôi sẽ gửi email mời bạn bè của bạn dùng thử Facebook”. Facebook có cho phép điều này trên nền tảng của nó không? Hoàn toàn không. Họ yêu cầu “hãy trả cho chúng tôi 4 đô la một lần cài đặt và chúng tôi sẽ giúp bạn có được một người dùng một lần và kiếm bộn tiền từ quá trình này”.

Vì vậy, mặc dù chi phí kỹ thuật để xây dựng dịch vụ trực tuyến rẻ hơn bao giờ hết, các công ty vẫn thường phải chi hàng triệu đô la tiền quảng cáo để đưa ứng dụng hoặc dịch vụ của mình đến những người dùng tiềm năng. Và một phần lớn của khoản này rơi vào túi các gã khổng lồ Google và Facebook.

Bản chất của sự đổi mới là thay đổi

Tesla
Tesla là đại diện cho một hình mẫu chuẩn của việc ra đi từ Thung lũng Silicon. (Ảnh qua Tasla Auto)

Có lẽ có quá nhiều thách thức đối với các công ty khi khởi nghiệp mảng internet ngày nay, nhưng chúng ta cũng không nên quá nhấn mạnh vào điều đó. Bởi vì trước tất cả những khó khăn đó, trong hoàn cảnh hiện tại, ít có ai nghi ngờ một sản phẩm thực sự ưu việt sẽ tìm được cách tiếp cận tới khác hàng của họ.

Chúng ta không có bất kỳ công ty Internet mới nào có thể trở thành công ty lớn bởi vì số lượng cơ hội để phát triển thành một dịch vụ trực tuyến khổng lồ, lợi nhuận cao là có giới hạn.

Ngay cả những công ty khác như Snap, Square, và Pinterest vẫn không tạo ra các cuộc cách mạng như Apple, Amazon và Google trong những năm đầu của họ.

Trong những năm 1950, 1960 và 1970 đã có sự bùng nổ trong sản xuất chất bán dẫn. Nhưng cuối cùng, thị trường đã ổn định, với một số ít công ty lớn – Intel, Samsung, Qualcomm – chiếm lĩnh thị trường. Sự sáng tạo trong “Thung lũng Silicon” sẽ không dừng lại, nó chỉ chuyển qua những thứ khác không phải là những con chip bán dẫn.

Trong những năm 1980, các công ty lớn như Microsoft, Adobe và Intuit đã được thành lập để tạo ra phần mềm cho máy tính cá nhân. Những công ty này vẫn kiếm được nhiều tiền – giống như Intel – nhưng ngày nay không có nhiều chỗ cho các startup mảng thiết kế các phần mềm cho máy tính để bàn.

Điều tương tự có thể sẽ sảy ra với thị trường ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến. Chỉ có bấy nhiêu thứ mà một người có thể làm với trình duyệt web hoặc điện thoại thông minh nhưng có thể chúng đã bị các công ty như Google, Facebook và Snap chiếm lĩnh các thị trường quan trọng nhất. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là sự đổi mới ở Thung lũng Silicon sẽ chấm dứt, nhưng nó có thể xảy ra khác so với những gì chúng ta đã chứng kiến trong 20 năm qua.

Lấy ví dụ Tesla, đây là một công ty thế hệ trước của Thung lũng Silicon, sử dụng một đội ngũ lập trình viên hùng hậu để thiết kế tất cả mọi thứ từ giao diện màn hình cảm ứng cho tới cho phần mềm tự lái xe. Nhưng trên một phương diện khác, Tesla là đại diện cho một hình mẫu chuẩn của việc ra đi từ Thung lũng Silicon. Trong khi Apple sản xuất iPhone ở Trung Quốc, Tesla điều hành nhà máy sản xuất ô tô tại Fremont, California. Trong khi Uber và Airbnb không phải tốn chi phí để mua sắm ô tô và trụ sở, Tesla đã chi hàng tỷ đô la cho một nhà máy sản xuất pin.

Vì vậy, ngay cả khi công ty tiên phong như Google, Facebook, và Amazon tiếp tục thống trị thị trường dịch vụ trực tuyến, điều đó không có nghĩa là họ sẽ vẫn tiếp tục dẫn đầu đổi mới công nghệ. Thay vào đó, sự đổi mới có thể thay đổi theo các hướng khác nhau – ví dụ như xe ô tô điện và máy bay không người lái, thay vì các ứng dụng dành cho điện thoại thông minh. Chúng ta đã quen với việc nghĩ về Thung lũng Silicon, Internet và sự đổi mới là những khái niệm đồng nghĩa, nhưng làn sóng đổi mới tiếp theo có thể trông rất khác so với những gì chúng ta từng biết.

Theo Vox,
Chi Bảo

Xem thêm: