Tân tổng thống Kenya phanh phui hợp đồng dự án đường sắt với Trung Quốc
- Vương Quân
- •
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nước tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã nhận ra mình bị rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Trường hợp đáng kể mới đây là dự án xây dựng đường sắt tại Kenya được tân tổng thống nước này công bố.
Để thực hiện lời hứa với người dân trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống William Ruto của Kenya mới đắc cử gần đây đã công bố 3 tài liệu từ hợp đồng xây dựng đường sắt do Chính phủ tiền nhiệm ký với Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) vào năm 2014.
Hợp đồng mang tên “Đường sắt khổ tiêu chuẩn” (SGR) cho thấy trong nội dung đàm phán liên quan của dự án thì Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, nhà tài trợ vốn cho ngành đường sắt, chiếm ưu thế tuyệt đối: Kinh phí xây dựng dự án đều đến từ Trung Quốc, do các nhà sản xuất Trung Quốc thiết kế và xây dựng, toàn bộ tuyến đường sắt chạy từ bờ biển Kenya về phía đông nhưng điểm cuối lại dẫn đến một nơi vắng vẻ, đặc biệt trong hợp đồng có hàng loạt điều khoản rõ ràng bất công và bất hợp lý.
Ví dụ trong hợp đồng quy định rõ vấn đề vật liệu xây dựng đường sắt được sử dụng trong dự án chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Mọi hoạt động thu mua hàng hóa dùng cho đường sắt vận chuyển chủ yếu nên nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra Chính phủ Kenya phải cấp ưu đãi miễn thuế cho những hàng hóa này. Khi xảy ra bất kỳ tranh chấp nào trong quá trình thực hiện thỏa thuận, phải được giải quyết bằng trọng tài đến từ tổ chức có ràng buộc pháp lý ở Trung Quốc. Đồng thời, Kenya không thể đơn phương tiết lộ nội dung của hợp đồng cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự đồng ý của bên tài trợ.
Theo hồ sơ vay vốn của dự án nói trên do Bộ trưởng Kipchumba Murkomen của Bộ Giao thông Vận tải Kenya tiết lộ, khoản vay đầu tiên trị giá 1,6 tỷ USD do Trung Quốc cung cấp cho Kenya với lãi suất 2%/năm, thời gian ân hạn 7 năm và phải được hoàn trả trong vòng 156 tháng. Một khoản vay thương mại khác trị giá 2 tỷ USD với các mức lãi suất khác nhau và thời gian ân hạn 5 năm, được trả thành 20 đợt với mức bằng nhau. Khoản vay thứ ba là giai đoạn hai của dự án đường sắt kéo dài từ thủ đô Nairobi đến thị trấn nghỉ mát Naiva Shah, số tiền cho vay là 1,48 tỷ USD. Như vậy, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay với tổng trị giá 5,08 tỷ USD cho dự án đường sắt này.
Bộ trưởng Kipchumba Murkomen của Bộ Giao thông Vận tải Kenya chỉ trích kế hoạch trả nợ đang giết chết thu nhập của người dân Kenya, vì vậy ông kêu gọi chính quyền Bắc Kinh kéo dài thời hạn trả nợ từ 20 năm ban đầu lên 50 năm.
Góc nhìn chuyên gia về vấn đề hợp tác từ Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á châu Tự do về vấn đề này, giáo sư Der-Yuan Yang của Khoa Tài chính của Đại học Khoa học và Công nghệ Cao Hùng (Đài Loan) nhận xét: “Đây không phải là ‘hiệp ước bất bình đẳng mà là ‘hiệp ước chư hầu’”.
Từ lâu, giáo sư Der-Yuan Yang đã nghiên cứu về tài chính công và các vấn đề nợ quốc tế. Ông phân tích rằng cách tiếp cận của ĐCSTQ là tìm các nước “có tài nguyên nhưng tham nhũng về chính trị” như Kenya và Sri Lanka để mua chuộc quan chức chính phủ của nước đó, nhằm khai thác khoáng sản và kiểm soát giao thông của họ, từ đó dần bành trướng thế lực. Qua những hợp đồng đã bị phanh phui cho thấy thực tế các nước như vậy không thu được lợi ích gì từ việc hợp tác với Trung Quốc.
Ông nói: “Chính phủ của ĐCSTQ rõ ràng đã bóc lột các nước này và coi họ như là chư hầu. Bây giờ họ không thể trả tiền, và họ không muốn trả tiền, bởi vì họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ lợi ích nào, vấn đề này đối với ĐCSTQ chỉ là sớm hay muộn mà thôi”.
Một chuyên gia Đài Loan khác tại Viện An ninh Quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, ông Shih Chien Yu cho biết các nước châu Phi này có thể chưa bao giờ chứng kiến một lượng vốn nước ngoài khổng lồ như vậy vào châu Phi, nhưng các nước này không có tinh thần luật pháp như phương Tây, họ vay tiền nhưng không quan tâm có khả năng trả khoản vay hay không.
Ông Shih Chien Yu cho rằng vay tiền thì đương nhiên phải trả, cuối cùng không trả được thì đó là một khoản nợ khổng lồ, sau 10 năm thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường thì các nước này đều đang phải đối mặt với cùng một vấn đề là nợ của họ chiếm hơn 10% GDP, thậm chí nhiều nước đã chiếm 1/4 đến 1/3 GDP, tức là Trung Quốc (ĐCSTQ) hoàn toàn kiểm soát đất nước họ.
Chuyên gia Đài Loan này cho rằng ĐCSTQ làm vậy ngoài việc cần các nước châu Phi lên tiếng trước Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế theo nhu cầu của Trung Quốc, còn vì mục tiêu xuất khẩu. Thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các nước châu Phi trong 10 năm qua đã tăng trưởng mỗi năm 2 con số. Khi những nước đó không trả được nợ bằng tiền thì có thể bằng tài nguyên, như vậy có thể xem với Trung Quốc thì những nước châu Phi kia không khác gì “thuộc địa kiểu mới”. Ngoài ra ĐCSTQ cũng sẽ nhân cơ hội để thiết lập các căn cứ quân sự tại các nước này. Nhưng có vấn đề bỏ ngỏ là ĐCSTQ có thể trụ vững được bao lâu sau khi ném vô số tiền của vào đó?
Từ khóa Kenya sáng kiến 'Vành đai và Con đường' Một vành đai một con đường Dòng sự kiện đường sắt Kenya