“Thời gian là tiền bạc” và nó có thể đắt hơn bạn nghĩ
- Ngọc Chi
- •
Đã bao nhiêu lần bạn nghe câu: “Thời gian là tiền bạc”, hay một phiên bản khác: “Thời gian là thứ quý giá nhất trên đời”? Bạn đã bao giờ suy ngẫm về ý nghĩa của những câu đó chưa? Và nếu đúng là vậy, tại sao nhiều người trong chúng ta vẫn lãng phí quá nhiều thời gian để làm những việc không nhất thiết là có giá trị?
Giá của thời gian
“Mỗi giây đều tính” – áp dụng khi bạn là một doanh nhân và cảm thấy luôn không có đủ thời gian trong một ngày. Thế giới đang chuyển động nhanh hơn bao giờ hết và chúng ta cần quan tâm đến nhiều thứ cùng lúc. Vì vậy, chúng ta đều rất quý trọng thời gian của mình và tìm cách sử dụng nó một cách hiệu quả hơn.
Bạn đã bao giờ nghĩ đến giá trị thời gian của mình chưa? Nếu bạn biết nó đáng giá bao nhiêu thì bạn sẽ thay đổi thói quen hàng ngày thế nào? Chúng ta có thể tự lập công thức đơn giản để tính giá trị thời gian của mình.
Bạn có hai loại thời gian: thời gian hiệu quả và thời gian nhàn rỗi.
Để hiểu về thời gian hiệu quả, hãy giả sử rằng mức lương của bạn là 100.000 USD. Sau đó, hãy lấy số giờ làm việc trung bình trong một năm là 2.080 giờ, tức là khoảng 40 giờ trong 52 tuần của năm, không bao gồm các kỳ nghỉ, thời gian ốm đau v.v. Trong trường hợp này, thời gian của bạn đáng giá 48 USD mỗi giờ.
Bây giờ bạn muốn đặt cho mình một mục tiêu trong tương lai – giả sử bạn sẽ tiến xa hơn 150% mức thu nhập so với hiện tại. Vì vậy, chúng ta áp dụng hệ số nhân 1,5 lần là đạt được 72 USD mỗi giờ. Đây là thời gian làm việc hiệu quả của bạn.
Tiếp theo là thời gian nhàn rỗi vì dù cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không thể dùng 100% thời gian hiệu quả. Chúng ta cũng cần phải nghỉ ngơi, giải trí… Hãy coi như những lúc không làm việc là thời gian nhàn rỗi. Sử dụng cách tính tương tự, chúng ta chiết khấu thời gian của mình đi 40%, tức là đạt 29 USD mỗi giờ. Bây giờ, hãy xem xét một số tình huống thực tế để dễ hiểu hơn.
Thời gian hiệu quả:
Tất cả chúng ta đều có những cuộc họp được cho là “lãng phí thời gian”. Giả sử rằng 7 người tham dự kiếm được 100.000 USD một năm. Cuộc họp kéo dài 1 giờ đó tiêu tốn của công ty 504 USD. Nếu bạn không nghĩ rằng cuộc họp này có ích, thì tôi không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn ngoài việc thuyết phục ban giám đốc rằng công ty đang phải trả thêm chi phí để tổ chức cuộc họp đó.
Thời gian nhàn rỗi:
Bạn đã bao giờ dành thời gian xem toàn bộ mùa của một chương trình nổi tiếng chưa? Hãy lấy “Game Of Thrones” làm ví dụ. Sử dụng công thức của chúng ta (nếu tính đây là thời gian nhàn rỗi), với tổng thời lượng để xem là khoảng 71 giờ thì nghĩa là toàn bộ chương trình sẽ tiêu tốn của bạn 2.100 USD. Trong khi đó, nếu chúng ta sử dụng thời gian này để làm việc hiệu quả, thì tổng giá trị sẽ đạt mức khổng lồ là 5.112 USD.
Đó là một lời cảnh tỉnh! Nếu bạn khăng khăng rằng phải xem một chương trình hay ho nào đó, nhưng chi phí sẽ là 5.000 USD thì bạn có xem không?
Nếu có thể huấn luyện bộ não nhìn nhận vấn đề theo cách đó thì chính là bước ngoặt trong trong cuộc đời bạn. Vậy làm thế nào để có thể biến chi phí bỏ ra thành đầu tư cho tăng trưởng?
Đã đến lúc thay đổi
Khi chúng ta có thể đặt giá cho một thứ gì đó – vốn dĩ có giá trị hơn những thứ không phải trả phí. Có một câu nói rằng: “Giá là những gì bạn phải trả, giá trị là những gì bạn nhận được.” Nếu một thứ không có giá, người ta có thể cho rằng giá trị của nó bằng không.
Khi chúng ta có thể nhìn thấy giá trị tài chính của thời gian, thì thời gian đó càng trở nên đắt đỏ, điều này sẽ khiến bạn chú ý hơn đến cách sử dụng nó.
Đừng tối ưu hóa mà hãy ưu tiên
Nếu bạn nghĩ rằng tất cả điều này nghe có vẻ hơi quá sức thì đừng băn khoăn! Cuộc sống không thể chỉ dành cho công việc, mà còn dành cho những niềm vui và khoảnh khắc bất ngờ khác. Nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho công việc thì có thể sẽ bỏ lỡ những kỷ niệm quý giá nhất của cuộc đời.
Cố gắng lên kế hoạch cho từng phút trong ngày của bạn là một cạm bẫy. Mặc dù một buổi hẹn hò có thể khiến bạn tiêu tốn thời gian, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tìm được người bạn đời trong buổi hẹn đó – người khiến bạn trở thành người hạnh phúc nhất?
Theo cách tương tự, vậy còn cuộc họp định kỳ đó thì sao? Đúng là nó có thể lãng phí thời gian, nhưng nó cũng có thể giúp đưa ra một ý tưởng bất ngờ giúp thay đổi hướng đi của công ty. Bạn không thể liên tục tối ưu hóa thời gian hiệu quả, nhưng bạn có thể bắt đầu ưu tiên chỗ mang lại giá trị.
Thực hiện thay đổi
Lần cuối cùng bạn xem một chương trình truyền hình, dành hàng giờ cho một trò chơi hoặc say mê xem cả một bộ phim là khi nào? Có lẽ là gần đây thôi phải không? Và hãy tự hỏi lại bản thân, lần cuối cùng bạn nói: “Tôi ước mình có thời gian là khi nào?” Một lần nữa, có lẽ là gần đây thôi.
Cũng giống như bất cứ điều gì, cuộc sống thay đổi phải bắt đầu từ một thói quen mới. Thật khó để thay đổi, nhưng sự lặp lại sẽ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Và chúng ta có thể tạo ra những khác biệt có ý nghĩa trong cuộc sống của mình và thế giới xung quanh bằng cách thiết lập lại mối quan hệ với thời gian.
Từ khóa doanh nhân quản lý thời gian tiết kiệm thời gian lãng phí thời gian trân quý thời gian