Số lượng xe điện xuất khẩu từ Trung Quốc sang châu Âu đã giảm đáng kể sau khi bị EU áp thuế xuất bổ sung. Ngoài ra, vấn đề dư thừa công suất trong các ngành liên quan của Trung Quốc ngày càng trở nên nổi cộm và có tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế.

xe dien trung quoc
Ngày 10/1/2024, xe điện BYD đang chờ xếp hàng để xuất khẩu tại cảng ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. (Ảnh: STR/AFP)

Xe điện từ Trung Quốc sang EU giảm mạnh

Theo các nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc hôm 16/8, EU đã công bố mức thuế bổ sung đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này, xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang 27 nước EU trong nửa đầu năm nay đạt tổng cộng 221.000 chiếc, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xuất khẩu vào tháng 6 lần đầu tiên trong năm nay giảm xuống dưới 30.000 xe, thiết lập mức thấp mới trong năm với mức giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái và mức giảm chỉ đứng thứ hai sau tháng 2 năm nay.

Đánh giá từ những thay đổi ở các nước điểm đến xuất khẩu, trong số 5 nước có mức sụt giảm lớn nhất (trong nửa đầu năm nay) về xuất khẩu phương tiện năng lượng mới của Trung Quốc thì có 4 nước EU, cụ thể là Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Na Uy.

Ngoài tác động do nhu cầu tại thị trường châu Âu sụt giảm, cuộc điều tra chống trợ cấp của EU cũng tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang EU.

EU xác nhận sẽ tăng thuế lên tới 37,6% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả các thương hiệu phương Tây sản xuất tại Trung Quốc như Tesla, với mức thuế bổ sung dao động từ 17,4% – 37,6%. Mặc dù thuế quan sẽ có hiệu lực vào ngày 5/7 nhưng tác động của nó đã bắt đầu xuất hiện từ trước.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4/7 cho biết, hai bên đã tổ chức nhiều vòng tham vấn về các vấn đề thuế quan. Người phát ngôn Hà Á Đông cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng EU và Trung Quốc sẽ chia sẻ cùng nhau một cách chân thành… để sớm đạt được giải pháp mà hai bên cùng chấp nhận”.

EU tuyên bố vào ngày 4/7 rằng các hãng xe Trung Quốc như BYD sẽ phải đối mặt với mức thuế 17,4%, Geely Auto sẽ phải đối mặt với mức thuế 19,9%, và SAIC Motor sẽ phải đối mặt với mức thuế 37,6%. Những mức thuế này được áp dụng dựa trên mức thuế suất tiêu chuẩn 10% mà EU đã đánh vào việc nhập khẩu ô tô..

Các công ty được EU cho là đang hợp tác trong các cuộc điều tra chống trợ cấp, bao gồm các nhà sản xuất ô tô phương Tây Tesla và BMW, sẽ bị áp mức thuế 20,8%, trong khi những công ty không hợp tác sẽ bị áp mức thuế 37,6%.

Để đối phó với mức thuế bổ sung do EU áp đặt, các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng nhà máy tại EU. Trong số đó, BYD có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Hungary; Chery bằng cách mua lại nhà máy hiện có của Nissan để thành lập một liên doanh ở Tây Ban Nha chuyên sản xuất ô tô chở khách; SAIC cũng đang xem xét xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Tây Ban Nha.

Vấn nạn công xuất dư thừa của Trung Quốc ngày càng nổi cộm

Tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc cũng khiến các ngành công nghiệp liên quan của họ phải đối mặt với những rủi ro sống còn. Báo mạng Steel News Trung Quốc gần đây dẫn lời chủ tịch Hu Wangming của Baosteel: “Chúng ta phải mở rộng đầu tư hiệu quả, giảm đầu tư kém hiệu quả, tăng dòng tiền, kiểm soát tốt vấn đề nợ nần…”.

Đài RFA ngày 15/8 dẫn lời Giám đốc Sun Mingde của Trung tâm Dự báo Thịnh vượng – Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, phân tích rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với các vấn đề cả bên trong và bên ngoài: vấn đề bên trong là tăng trưởng chậm lại của xe điện phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ, và vấn đề bên ngoài là những động thái thuế quan mới của Mỹ và EU đối với Trung Quốc. Ông nói: “Đây là vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt và là hướng phát triển trong tương lai của nước này. Đây không phải là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc hiện tại nên sẽ không có tác động lớn đến phục hồi kinh tế Trung Quốc. Hiện nay trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc vẫn là bất động sản, nhưng bất động sản đã suy thoái mạnh”.

Một bài báo do kênh truyền thông tài chính Stockstar của Trung Quốc đăng tải vào ngày 14/8 chỉ ra một báo cáo đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi trên thị trường vốn. Báo cáo đã phân tích 7 ngành công nghiệp chính của Trung Quốc, đó là quang điện, pin lithium, xe năng lượng mới, chất bán dẫn, máy điều hòa không khí, sản xuất thép và máy móc xây dựng.

Cụ thể là tỷ trọng các mặt hàng này của Trung Quốc trên thế giới như sau: 75% máy điều hòa không khí, 86% quang điện, 81% pin lithium, 66% xe năng lượng mới, 54% thép, 33% máy móc xây dựng, và 29% chất bán dẫn.

Ngoài điều hòa không khí và thép, 5 ngành công nghiệp còn lại đang có tình trạng dư thừa công suất đáng kể. Ví dụ lĩnh vực quang điện, năng lực sản xuất gấp đôi nhu cầu toàn cầu; trong trường hợp pin lithium, năng lực sản xuất gấp 1,6 lần nhu cầu toàn cầu.

Theo dữ liệu do Liên đoàn Thép Thượng Hải Trung Quốc công bố vào ngày 13/8, giá lithium cacbonat loại pin đã giảm 1500 nhân dân tệ (RMB) so với ngày hôm trước, với mức giá trung bình được báo cáo là 78.000 nhân dân tệ/tấn, đây là mức giá thấp mới.

Bài báo chỉ ra đồng thuận chung hiện nay trong ngành là 80.000 RMB/tấn là đường chi phí cho sự cân bằng cung cầu của ngành công nghiệp lithium cacbonat. Nói cách khác, khi giá dưới con số đó nghĩa là toàn bộ doanh nghiệp pin lithium ở thượng nguồn sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ – số tiền thiệt hại thực tế có thể nghiêm trọng hơn tưởng tượng.

Vấn đề xác định ‘công suất dư thừa’

Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc vào ngày 13/8 đã công bố bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jay Shambaugh (phụ trách các vấn đề quốc tế), ông nói về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu, liệt kê ba bộ chỉ số để xác định tình trạng dư thừa:

Chỉ số thứ nhất là liệu công suất có tăng nhanh hơn cả những dự báo nhu cầu đầy tham vọng nhất hay không.

Thứ hai là kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả. Sự hiện diện rộng rãi của các doanh nghiệp như vậy phản ánh vấn đề điều chỉnh hạn chế hoặc chậm chạp trước những điều kiện thị trường thay đổi, làm khả năng chuyển đổi đầu tư thành thu nhập ngày càng suy giảm. Sự xuất hiện của các chỉ số này trong khi sản xuất và đầu tư ngày càng tăng đồng nghĩa với tình trạng dư thừa năng suất.

Thứ ba, công suất sử dụng thấp hoặc giảm mạnh. Tỷ lệ sử dụng thấp kéo dài làm giảm lợi nhuận của các công ty trong ngành liên quan, cho thấy công suất dư thừa.

Ông Shambaugh cũng chỉ ra bản thân những chỉ số đó không đồng nghĩa thể hiện rõ ràng nhất hoặc có tính thuyết phục nhất đối với dư thừa công suất. Ngay cả khi không có những chỉ số đó thì tình trạng dư thừa công suất vẫn có thể tồn tại, ví dụ trong trường hợp cung cấp đủ trợ cấp thì tỷ lệ sử dụng có thể cao mặc dù sản xuất thừa. Nhưng dù sao khi kết hợp các chỉ số có thể cung cấp phân tích cơ bản để xác định công suất dư thừa. Ông lưu ý: “Và nhìn từ mỗi chỉ số riêng, chúng tôi thấy bằng chứng thuyết phục không chỉ về công suất dư thừa ở Trung Quốc mà còn có mối liên hệ rõ ràng với các chính sách thúc đẩy đằng sau”.

Ông nói trường hợp của Trung Quốc các ngành công nghiệp liên quan đã trở nên trầm trọng hơn do các chính sách và thực tiễn phi thị trường, gây đứt gãy trong mối liên hệ giữa hoạt động của công ty và các lực lượng thị trường, cho phép các công ty này hoạt động với mức giá thấp hơn ở nước ngoài  so với các đối thủ cạnh tranh theo định hướng thị trường của họ, khiến các công ty được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc tăng thị phần của họ, điều này cuối cùng có thể dẫn đến sự tập trung quá mức vào thiểu số nhà cung cấp.

Văn Long, Vision Times