TP.HCM vẫn thu phí cảng biển từ ngày 1/4, dự kiến 3 năm thu 16.000 tỷ đồng
- Đức Minh
- •
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM thông báo từ ngày 1/4 sẽ chính thức thu phí cảng biển đối với các khu vực cảng biển tại TP.HCM. Sở này cho biết dự kiến đến năm 2025, số tiền 16.000 tỷ đồng thu được sẽ dùng vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cảng biển.
Tại cuộc họp báo vào sáng ngày 25/3, ông Bùi Hòa An – Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết việc chính thức thu phí cảng biển (phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển) đối với khu vực cảng biển tại TP.HCM sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/4.
Ngoài ra, ông An cho biết toàn bộ nguồn thu từ phí cảng biển dự kiến đến năm 2025 đạt 16.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được tái đầu tư vào các dự án kết nối hạ tầng cảng biển với tổng mức đầu tư giai đoạn 2020-2030 là khoảng 93.247 tỷ đồng.
Cụ thể, ông An cho hay có 14 tuyến đường sẽ được mở rộng hoặc đầu tư xây dựng mới trong thời gian tới bao gồm: mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Vành đai 2, Võ Chí Công, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm), nút giao thông Mỹ Thủy, Nguyễn Văn Linh, Lưu Trọng Lư, Huỳnh Tấn Phát; xây dựng cụm cảng trung chuyển – ICD tại phường Long Bình (Quận 9), xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cát Lái, xây dựng đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu, xây dựng đường Vành Đai 3 và xây dựng tuyến đường ven sông để kết nối giữa các bến cảng dọc sông Soài Rạp.
“Sau 5 năm thu phí cảng biển cùng với sự đầu tư của thành phố, giao thông kết nối cảng biển sẽ hoàn thành theo quy hoạch”, ông An nói, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM cho biết việc thu phí cảng biển theo hình thức không dùng tiền mặt. Các doanh nghiệp sẽ sử dụng giao dịch điện tử liên ngân hàng để nộp phí cảng biển. Do đó, việc nộp phí sẽ không làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Đầu tháng 3/2022, 7 Hiệp hội bao gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) và Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cùng ký đơn kiến nghị dời thời hạn thu phí cảng biển đến ngày 31/12/2022.
Các Hiệp hội trên lý giải các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn như: áp lực tăng giá (giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu,…), gánh nhiều loại phí giao thông đường bộ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy dẫn tới cước vận tải biển tăng cao,…
Tại buổi họp trên, ông An cho biết việc thu phí cảng biển hiện nay để đóng góp vào các dự án hạ tầng kết nối cảng biển, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình. Do ngân sách đầu tư của thành phố đang gặp khó khăn, việc có thêm nguồn thu để xây dựng các tuyến đường kết nối cảng là rất quan trọng. Theo ông An, hàng hóa lưu thông thuận lợi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Vì vậy, thành phố vẫn sẽ thu phí cảng biển từ ngày 1/4.
Theo VASEP, giữa bối cảnh doanh nghiệp chưa vực dậy được sau những tác động của dịch COVID-19, việc TP.HCM khởi động thu phí cảng biển từ ngày 1/4 là thời điểm chưa phù hợp và tạo nên tình trạng phí chồng phí đối với doanh nghiệp.
Ông Phan Minh Thông – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết cước tàu ở cảng biển đã tăng gấp 4-5 lần do đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua, nay áp dụng thêm phí càng biển khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Mức phí cảng biển tại TP.HCM được Sở GTVT TP.HCM đưa ra như sau: – Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu: thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; thu 4,4 triệu đồng/container 40 feet và 2,2 triệu đồng/container 20 feet. – Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM: thu 500.000 đồng/container 20 feet; 1 triệu đồng/container 40 feet và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. – Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM: thu 250.000 đồng/container 20 feet; 500.000 đồng/container 40 feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. |
Đức Minh
Từ khóa thu phí cảng biển phí cảng biển TP.HCM xuất nhập khẩu