Trung Quốc toan tính can thiệp vào cuộc đàm phán giữa ông Trump với EU?
- Thiên Vân
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong tuần này tuyên bố rằng một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) “100% [sẽ] thành hình” khi lục địa này tìm cách tránh né mức thuế 20% dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng Bảy sau 90 ngày trì hoãn. Song song với đó, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải vận hành nền kinh tế với mức thuế quan lên tới 145%, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với EU và có thể toan tính can thiệp vào kế hoạch đạt được thỏa thuận giữa ông Trump và khối liên minh kinh tế của 27 quốc gia châu Âu.
Chính sách áp thuế toàn diện của ông Trump trong năm nay áp dụng đối với gần như mọi đối tác thương mại của Hoa Kỳ, cùng với các mức thuế chung trên các mặt hàng như thép, nhôm và xe hơi, đã khiến không ít đồng minh truyền thống thay đổi cách nhìn đối với Washington — với một số giới chức châu Âu đặt nghi vấn về mức độ tin cậy của quốc gia đồng minh đã từng gắn bó lâu đời này.
Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc có thể tìm cách tận dụng bất kỳ thay đổi tiềm năng nào trong liên minh địa chính trị Mỹ-Âu nhằm né tránh cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“[Xét đến yếu tố] chính trị bầu cử ở châu Âu, một số nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ khó tỏ ra yếu thế trước Trump. Việc xoay trục sang Trung Quốc — tuy đầy rủi ro — nhưng vẫn có thể [trở thành] một cám dỗ“, bà Elaine Dezenski, Giám đốc cấp cao và cũng là người đứng đầu Trung tâm Sức mạnh Kinh tế và Tài chính thuộc Tổ chức Bảo vệ Các Nền Dân Chủ (Foundation for Defense of Democracies), chia sẻ với Fox News.
“Các biện pháp thuế quan toàn cầu [cứng rắn] của ông Trump đã khiến các đồng minh truyền thống phẫn nộ và việc phục hồi lại lòng tin đó sẽ rất khó khăn, mặc dù nhiều người ở châu Âu vẫn nhận thức rõ về những rủi ro từ việc quan hệ giao thương với Trung Quốc. Tuy nhiên, trước áp lực kinh tế ngày càng lớn, Trung Quốc có thể sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận mà châu Âu khó lòng từ chối”, bà Dezenski nói thêm.
Bà Dezenski giải thích rằng nếu Trung Quốc sẵn sàng ký kết một thỏa thuận với EU, chẳng hạn như cam kết gia tăng lượng hàng nhập khẩu từ EU, các nhà lãnh đạo tại đây có thể sẽ thấy thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng của Trung Quốc hấp dẫn hơn so với “[thị trường] tiêu dùng tuy giàu có nhưng nhỏ bé hơn” của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố khác mà EU sẽ phải tìm cách đối đầu trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: đó là tình trạng Trung Quốc bán phá giá tại thị trường châu Âu.
Bán phá giá đề cập đến hành vi bán hàng hóa tại một quốc gia khác với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất nội địa — một chiến thuật mà từ lâu EU đã tìm cách ngăn chặn Trung Quốc sử dụng đối với các mặt hàng như tấm pin mặt trời, xe điện, và đồ điện tử tiêu dùng.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã bày tỏ mối quan ngại tương tự trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào tuần trước, trong đó bà von der Leyen “nhấn mạnh vai trò trọng yếu của Trung Quốc trong việc giải quyết nguy cơ chuyển hướng thương mại do thuế quan gây ra, đặc biệt trong các lĩnh vực vốn đã chịu ảnh hưởng từ tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu”.
“Bà [von der Leyen] cũng nhắc lại [nhu cầu] cấp bách [phải tìm ra] các giải pháp cơ cấu nhằm tái cân bằng mối quan hệ thương mại song phương và bảo đảm sự tiếp cận tốt hơn cho doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu vào thị trường Trung Quốc”, trích nội dung thông cáo do EU công bố.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã tăng vọt hơn 12% vào tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giới chuyên gia dự báo rằng con số này dự kiến sẽ giảm mạnh vì người tiêu dùng Hoa Kỳ có thể sớm thấy giá cả tăng vọt, do hậu quả leo thang của cuộc chiến thương mại.
Việc kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm có nghĩa là Bắc Kinh có thể tìm cách chuyển hướng đáng kể các sản phẩm đó sang thị trường châu Âu.
Dù trong cuộc đối thoại giữa bà von der Leyen và ông Lý Cường chưa nhắc tới khả năng EU áp thuế lên Trung Quốc, nhưng một số nguồn tin cho biết khối EU cũng đang cân nhắc các biện pháp thuế quan nếu Bắc Kinh bắt đầu bán phá giá các sản phẩm trên khắp EU khi kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chững lại.
“Làn sóng chống đối của người dân châu Âu đối với hành vi bán phá giá từ Trung Quốc khiến [nhiều nhà lãnh đạo] trên lục địa này trở nên dè dặt. Trung Quốc sẽ phải đưa ra những [nhượng bộ hấp dẫn] hơn để đổi lại, mà điều đó [nhiều khả năng] sẽ là cam kết gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu”, bà Dezenski xác nhận.
“Trung Quốc từ lâu đã khước từ việc mở cửa thị trường, thiên vị các nhà sản xuất nội địa, nhưng nay họ sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để giải quyết tình trạng mất cân đối thương mại [trầm trọng]”, bà Dezenski bổ sung.
Thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc trong năm 2024 đã tương đương với khoảng 345 tỷ USD, nghĩa là người châu Âu nhập khẩu từ Bắc Kinh nhiều hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa mà Trung Quốc nhập từ châu lục này.
Tuy vậy, ngay cả khi Trung Quốc cố gắng cải thiện quan hệ thương mại với EU, người dân châu Âu vẫn đang ngày càng cảm thấy thất vọng đối với Trung Quốc vì Bắc Kinh đã duy trì hành vi bán phá giá trong vài thập kỷ qua, “khiến cho khả năng mở rộng giao thương giữa EU và Trung Quốc là [rất hạn chế], bất chấp áp lực từ phía Hoa Kỳ”, theo nhận định của ông Steve Yates, chuyên viên nghiên cứu cao cấp về chính sách Trung Quốc và An ninh Quốc gia tại Quỹ Heritage.
Nhưng quan trọng hơn, ông Yates lập luận rằng “EU và Trung Quốc không thể bù đắp cho việc mất đi thị trường Hoa Kỳ chỉ bằng cách mở rộng thương mại song phương giữa hai bên. [Khoảng cách chênh lệch ấy còn rất xa mới có thể bù đắp]”.
“Cả EU lẫn Trung Quốc [đều hiểu rằng], chính [sức mua khổng lồ] của thị trường tiêu dùng Hoa Kỳ là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Không bên nào trong số họ có thể phát triển hoặc thậm chí có thể tồn tại mà không có quyền tiếp cận đáng tin cậy và tương đối không bị cản trở với người tiêu dùng Hoa Kỳ. Đó chính là sức mạnh đòn bẩy mạnh mẽ mà Tổng thống Trump đang sử dụng trong các cuộc thương thuyết này”, ông Yates nhấn mạnh.
Thiên Vân, theo Fox News
Từ khóa Donald Trump Dòng sự kiện Liên minh Châu Âu EU Cuộc chiến thuế quan
