Từ ngày 29/12, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ tăng giá vé tại 41 dự án BOT đường bộ với 47 trạm thu phí. Doanh nghiệp vận tải cho hay điều này chắc chắn tác động đến giá vận chuyển hành khách, hàng hóa trong thời gian tới.

bot dinh an
(Ảnh minh họa: Duc Huy Nguyen/Shuttertock)

Sau khi có chỉ thị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Đường bộ Việt Nam đã phát đi thông báo về việc điều chỉnh giá vé tại các hợp đồng BOT. Dự kiến từ 0h ngày 29/12, sẽ thực hiện điều chỉnh tăng giá vé tại 41 dự án BOT đường bộ với 47 trạm thu phí, báo Giao Thông đưa tin.

Đơn cử vào sáng 25/12, Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, Nghệ An đã có thông báo (lần thứ 3) về việc điều chỉnh giá vé tại Trạm Thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2.

Trong đó, xe dưới 12 ghế ngồi; xe có tải trọng dưới 2 tấn, giá vé lượt tăng từ 39.000 lên 47.000 đồng (tăng 20%). Xe từ 12 ghế đến 30 ghế, xe từ 2 tấn đến dưới 4 tấn giá vé lượt tăng từ 54.000 lên 64.000 đồng (tăng 18,5%).

Xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet giá vé lượt tăng từ 177.000 lên 200.000 đồng (tăng 11,5%). Cùng với vé lượt, vé tháng và vé quý cũng có mức tăng lên so với giá cũ.

Nhận thông tin giá vé BOT tăng, nhiều doanh nghiệp cho hay chắc chắn việc này tác động đến giá vận chuyển hành khách, hàng hóa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc tăng giá cước cũng rất khó, bởi doanh nghiệp không phải muốn tăng là được, vì còn phải cạnh tranh.

Theo lãnh đạo các đơn vị quản lý trạm BOT, đối với các phương tiện đã được mua vé tháng, vé quý thì vẫn tiếp tục sử dụng theo mệnh giá đã mua cho đến khi hết thời hiệu của vé. Còn vé mua mới sau thời điểm tăng giá sẽ phải tính theo giá mới.

Tuấn Minh