Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh dài gần 27km được phê duyệt sử dụng nguồn vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cho biết dự kiến đội vốn thêm 1.400 tỷ đồng với nguyên nhân nền đất yếu.

cao toc my an cao lanh cao toc dong bang song cuu long cao toc
Cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh có chiều dài 26km, chi phí xây dựng dự kiến hơn 238 tỷ đồng mỗi km đường. (Ảnh: Ban quản lý Dự án)

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam cho biết dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh sử dụng nguồn vốn ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc. Do tuyến đi qua khu vực nền đất yếu nên chi phí giải phóng mặt bằng tăng 353 tỷ đồng và chi phí xây dựng tăng 788 tỷ đồng sau khi cập nhật khối lượng cũng như đơn giá, TTXVN đưa tin.

Các chi phí khác cũng tăng tương ứng như chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng 80 tỷ đồng và chi phí dự phòng tăng 218 tỷ đồng. Tổng cộng chi phí tăng thêm là hơn 1.400 tỷ đồng.

Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối năm 2021.

Nếu chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7 này, Bộ Giao thông vận tải sẽ phê duyệt dự án đầu tư trong tháng 8, đàm phán ký Hiệp định vay ODA với Chính phủ Hàn Quốc vào cuối năm 2023.

Các công việc liên quan sẽ được triển khai ngay sau đó để khởi công dự án vào tháng 9/2024. Tuyến cao tốc này dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2027.

Cũng tại tỉnh Tiền Giang, dự án cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công từ tháng 2/2020, có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Cầu có tổng chiều dài 6,6km, trong đó phần cầu chính dài khoảng 1,9km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km, phần thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang dài 4,3km và phía Vĩnh Long dài 0,4km.

Khi cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành vào cuối năm 2023 sẽ chia tải cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu. Cùng với đó, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân đi lại từ TP.HCM đến Cần Thơ và ngược lại, kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông.

Trọng Minh