Tỷ giá VND/USD chịu áp lực từ cầu ngoại tệ do nhập siêu gia tăng
- Lam Ngọc
- •
Quý I/2017 tỷ giá VND/USD tại các NHTM diễn biến không ổn định, nhưng tính chung đến cuối tháng 4 thì vẫn trong xu thế giảm và tiệm cận sát với mức trần do NHNN công bố. Đến ngày 20/4/2017, tỷ giá NHTM xoay quanh mức 22.740 đồng/USD, giảm 0,12% so với đầu năm.
Tỷ giá thị trường tự do trong nửa đầu tháng 2 cũng có mức tăng đột biến, có những thời điểm đã lên trên mức 23.000 VND/USD nhưng ngay sau đó đã hạ nhiệt (giảm 1,52% so với đầu năm) và hiện bám khá sát với tỷ giá của các NHTM.
Mặc dù vậy, áp lực lên tỷ giá năm 2017 là rất lớn, bất chấp các dấu hiệu thuận lợi hơn từ bên ngoài như nguồn: cung ngoại tệ tăng từ nguồn FII (mua bán sáp nhập), FDI; chỉ số Bloomberg Dollar Index nhiều phiên giảm liên tiếp, cũng góp phần giảm áp lực đáng kể lên tỷ giá VND/USD. Việc FED có thể không tăng lãi suất trong tháng 5 tới cũng là tích hiệu tích cực giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD.
Áp lực tỷ giá VND/USD tăng do các vấn đề nội tại của nền kinh tế
Thực tế, SBV đã điều chỉnh tăng 0,77% tỷ giá trung tâm tính đến ngày 20/4/2017. Động thái này cho thấy SBV đang có những bước điều chỉnh tỷ giá dần dần, tránh những cú sốc về chính sách tỷ giá trong thời gian tới.
Trong năm 2017, tỷ giá chịu áp lực lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu gia tăng so với năm 2016. Cán cân thương mại đã đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt 2,56 tỷ USD tính đến ngày 15/04.
Không chỉ vậy, cầu ngoại tệ khó có thể giảm khi bội chi còn lớn, nợ công cao. Nhu cầu vay ngoại tệ đảo nợ, dùng ngoại tệ trả nợ sẽ là yếu tố quan trọng tạo áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, lạm phát bắt đầu có xu hướng gia tăng cũng làm giảm kỳ vọng ổn định tỷ giá, giảm giá trị đồng VND, khiến đồng USD dù có mức chênh lệch lãi suất lớn với đồng VND nhưng vẫn hấp dẫn thị trường, cầu với đồng USD trong khu vực dân cư không dễ giảm.
Thêm vào đó, trong dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của FED trong các năm tiếp theo với mục tiêu dự báo ở mức 3% vào cuối năm 2019, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn. Đặc biệt là xu hướng mất giá mạnh của đồng NDT sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016. Nếu so với GDP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Lam Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Nhập siêu FED thâm hụt thương mại tỷ giá ngoại tệ